WSJ: Mỹ dự định nới lỏng trừng phạt Venezuela, tạo điều kiện cho Chevron bơm dầu

VietnamBiz 07/10/2022 15:12:13

Theo một số ước tính, Venezuela hiện xuất khẩu 450.000 thùng dầu/ngày và có thể tăng gấp đôi con số đó trong vài tháng. Cựu giám đốc Chevron dự đoán sản lượng của Venezuela có thể đạt 1,5 triệu thùng/ngày trong vòng hai năm nếu doanh nghiệp Mỹ được phép tự do hoạt động.

06-10-2022 Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau hai phiên tăng mạnh, nhóm dầu khí ngược chiều đi lên

05-10-2022 Gói trừng phạt mới của Mỹ chỉ 'mang tính hình thức' vì không động đến dầu mỏ, khí đốt từ Nga

WSJ: Mỹ dự định nới lỏng trừng phạt Venezuela, tạo điều kiện cho Chevron bơm dầu-1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Venezuela StartFragment Nicolás Maduro. (Ảnh: Bloomberg ).

Yêu cầu của Mỹ

Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp trừng phạt lên Venezuela để cho phép tập đoàn Chevron nối lại việc khai thác dầu ở nước này. Có khả năng động thái này sẽ mở đường cho Mỹ và các nước châu Âu nhập khẩu dầu từ Venezuela.

Để đổi lấy việc được Mỹ gỡ bỏ đáng kể các lệnh trừng phạt, chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro sẽ nối lại các cuộc đối thoại với phe đối lập để thảo luận điều kiện cần thiết cho việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng vào năm 2024, nguồn tin cho biết.

Mỹ, chính phủ Venezuela và một số thành viên phe đối lập cũng đã vạch ra thỏa thuận để giải phóng hàng trăm triệu USD tiền công quỹ Venezuela bị phong tỏa trong các ngân hàng Mỹ. Tiền sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí nhập khẩu lương thực, thuốc men và thiết bị cho lưới điện và hệ thống cấp nước của Venezuela.

Các quan chức Mỹ cho biết chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được bàn bạc. Họ cũng cảnh báo kế hoạch có thể sẽ thất bại bởi nó phụ thuộc vào việc các trợ lý cấp cao của ông Maduro có đàm phán bằng thiện chí với phe đối lập hay không.

Bà Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Mỹ sẽ không thay đổi chính sách trừng phạt nếu chính quyền ông Maduro không có những động thái mang tính xây dựng”.

TIN LIÊN QUAN

WSJ: Mỹ dự định nới lỏng trừng phạt Venezuela, tạo điều kiện cho Chevron bơm dầu-2

OPEC+ nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 11/2022

06/10/2022 - 06:46

Nếu thỏa thuận thành công và Chevron cùng các công ty dịch vụ dầu mỏ của Mỹ được phép hoạt động tại Venezuela lần nữa, sản lượng dầu mới được tung ra thị trường thế giới trong ngắn hạn cũng không lớn.

Venezuela từng là một nhà sản xuất dầu lớn, khai thác hơn 3,2 triệu triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong những năm 1990. Nhưng ngành công nghiệp nhà nước này đã sụp đổ trong thập kỷ qua do thiếu thốn đầu tư, tham nhũng và quản lý yếu kém. Các lệnh trừng phạt do chính quyền cựu tổng thống Trump áp đặt càng khiến sản lượng sa sút và buộc giới doanh nghiệp Mỹ rời khỏi đất nước này.

Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách Mỹ giúp đem doanh nghiệp phương Tây quay trở lại Venezuela cũng sẽ phát đi tín hiệu tâm lý tới thị trường rằng nguồn cung sắp gia tăng. Những đồn đoán về việc Mỹ thiết lập lại quan hệ với Venezuela nổi lên khi các nước OPEC+ do Nga và Arab Saudi dẫn dắt đồng ý cắt giảm sản lượng, chọc giận chính quyền ông Biden.

WSJ: Mỹ dự định nới lỏng trừng phạt Venezuela, tạo điều kiện cho Chevron bơm dầu-3

Ông Francisco Monaldi, chuyên gia năng lượng tại Đại học Rice đánh giá rằng việc lôi kéo Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, có thể trở thành chiến lược dài hạn hơn đối với Mỹ và cả các quốc gia châu Âu. Nguyên nhân là các nước này đang phải cố gắng đảm bảo nguồn năng lượng mới trong bói cảnh chiến sự Nga-Ukraine kéo dài, làm đảo lộn thị trường hàng hóa.

Ông nói tiếp: “Nếu giá dầu hạ, chiến lược này có thể thay đổi. Nhưng hiện nay đảm bảo nguồn cung dầu là nỗi ám ảnh của phương Tây”.

"Hiệu ứng domino"

Dự kiến các điều khoản của thỏa thuận Mỹ-Venezuela sẽ tiếp tục được thảo thuận trong tháng này. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington đang sẵn lòng giảm bớt chiến dịch gây áp lực lên chính quyền ông Maduro từ thời cựu tổng thống Trump.

Người phát ngôn của Chevron không bình luận về thỏa thuận được đề xuất, nhưng nói rằng: “Tại Venezuela, chúng tôi có các khoản đầu tư chuyên dụng và có lực lượng lao động lớn phụ thuộc và sự hiện diện của mình”. Ông khẳng định công ty đang tuân thủ khung trừng phạt hiện hành.

Ông Ali Moshiri, cựu giám đốc Chevron từng làm việc chặt chẽ với các quan chức Venezuela, nhận xét sự đổi hướng của chính quyền ông Biden phản ánh áp lực chính trị do sự gia tăng của giá năng lượng và nguồn cung eo hẹp trên thế giới.

Ông nói tiếp: “Việc chính quyền ông Biden nới lỏng một số lệnh trừng phạt lên Venezuela, cho phép nhiều nguồn lực giúp chúng ta giảm giá năng lượng là nước đi rất hợp lý”. Ông ước tính Venezuela có thể đạt sản lượng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong vòng hai năm nếu Chevron và các công ty khác được tự do hoạt động.

Trong suốt những tháng qua, giới doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đã kêu gọi chính quyền ông Biden dỡ bỏ lệnh trừng phạt để thu hồi các khoản nợ hàng tỷ USD và thực hiện các thỏa thuận kinh doanh với Venezuela.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan quản lý các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, đang chuẩn bị cấp một hoặc nhiều giấy phép để Chevron tiến hành 4 dự án dầu liên doanh hiện có với công ty dầu khí nhà nước PdVSA. Thỏa thuận của Chevron với Venezuela cho công ty toàn quyền kiểm soát vận hành, nguồn tin cho biết.

Với Chevron phụ trách toàn bộ khía cạnh các dự án, và nếu Mỹ nới lệnh cấm vận dầu mỏ, Venezuela có thể khôi phục tầm ảnh hưởng trên thị trường dầu như những năm đầu 2000. Khi đó, Venezuela là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô chính đến Mỹ. Những người thạo tin về ngành dầu Venezuela cho biết nước này đang xuất khẩu 450.000 thùng dầu/ngày và có thể tăng gấp đôi con số đó trong vài tháng.

Các dự án có thể trở nên quan trọng ở Venezuela bao gồm mỏ khí đốt ngoài khơi Perla do công ty Repsol của Tây Ban Nha và ENI của Italy điều hành. Có tin rằng Shell cũng đang quan sát diễn biến của khả năng hợp tác giữa Mỹ và Venezuela để thực hiện một thỏa thuận khí đốt sơ bộ ngoài khơi phía đông Venezuela nhằm cung ứng cho nhà máy hóa lỏng ở quốc gia lân cận Trinidad và Tobago.

Các dự án khí đốt rất đáng chú ý trong thời gian này bởi châu Âu đang cố thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga trước mùa đông.

Ông Monaldi, chuyên gia năng lượng người Venezuela nhận xét: “Thỏa thuận của Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng domino để mọi thứ tiến triển”. Nhưng ông nói thêm rằng các mỏ dầu tại đây đã xuống cấp trầm trọng do thiếu thốn đầu tư. Theo ông, Venezuela sẽ khó có thể gia tăng đáng kể sản lượng trong hai năm tới dù có sự trợ giúp của doanh nghiệp nước ngoài. Ông kết luận: “Tôi không nghĩ Venezuela sẽ có vai trò quan trọng tới thị trường dầu toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn”.

Giang

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Link bài gốc

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/wsj-my-du-dinh-noi-long-trung-phat-venezuela-tao-dieu-kien-cho-chevron-bom-dau-4220221061181290.htm

Nối

Khác

Xem tiếp đi