Việt Nam: Điểm sáng kinh tế hiếm hoi

Lao Động 23/09/2022 19:16:33

Theo tờ báo Thái Lan, Việt Nam - thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới - đã thu hút được các khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam thường mang lại tỉ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư cao, trong khi quốc gia này không phải chịu lạm phát cao, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái mà các nước phát triển đang đối mặt.

Việt Nam: Điểm sáng kinh tế hiếm hoi-1

Bài viết trên Bangkok Post về điểm sáng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Bangkok Post

Trong tháng 8, khi thị trường chứng khoán ở các thị trường phát triển giảm điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại hơn 4% nhờ dòng vốn tiếp tục chảy vào và các biện pháp kích thích kinh tế do chính phủ đưa ra. Chính sách tiền tệ của Việt Nam tương đối vừa phải, đặc biệt là khi so sánh với các nước phát triển.

Nhân tố tăng trưởng

Công ty đầu tư One Asset Management (ONEAM) cho biết, có bốn nhân tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, khiến nước này trở thành một trong số ít quốc gia mang lại lợi nhuận cao.

Trước hết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch. Gần đây nhất, GDP quý II đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh so với mức 5% của quý trước. Sự phục hồi về tiêu dùng và khu vực dịch vụ sau khi đất nước mở cửa trở lại vào cuối năm ngoái đã góp phần vào sự tăng trưởng đó. Các nhà phân tích của ONEAM tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,1-6,5%.

Thứ hai, dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng cường nguồn lực của đất nước.

Thứ ba, các chính sách cải cách đất đai, chẳng hạn như thẩm định đất đai theo giá thị trường và giới hạn diện tích đất công-nông nghiệp không quá 20ha cho mỗi nhà máy, đã được hoan nghênh. Các chính sách này được coi là sự đảm bảo rằng đất đai mang lại lợi ích cho đại đa số dân cư, chứ không chỉ những người giàu có. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau cũng đã được chính phủ đưa ra để đảm bảo hiệu quả cao hơn trong việc thu thuế.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã sửa đổi các quy định giao dịch chứng khoán bằng cách rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch từ 2 ngày xuống 1,5 ngày (T+1,5), dự kiến ​​sẽ tạo điều kiện cho việc tung ra các sản phẩm tinh vi hơn trong tương lai, theo ONEAM.

Chiến lược đầu tư

ONEAM thừa nhận rằng, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn phải thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khi thị trường chứng khoán trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến động khu vực.

Trong khi đó, các nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị tích lũy hoặc sử dụng chiến lược đầu tư DCA khi các nhà phân tích thị trường điều chỉnh quan điểm. DCA (Dollar cost averaging) còn gọi là chiến lược bình quân giá, theo đó một số tiền cố định được phân bổ theo các khoảng thời gian đều đặn, thường là dưới một năm (hằng tháng hoặc hằng quý), để đầu tư. DCA thường được sử dụng cho các khoản đầu tư dễ bay hơi như cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ hơn là cho trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi.

ONEAM tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội phát triển ngang tầm với các thị trường Châu Á khác trong tương lai.

Chaiyaporn Nompitakcharoen - Phó Chủ tịch điều hành của Bualuang Securities (BLS) - khuyến nghị các nhà đầu tư mới nên tranh thủ cơ hội này để bắt đầu tích lũy cổ phiếu an toàn nhằm thu lợi nhuận dài hạn. Điều này bao gồm các khoản đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục ETF với chính sách đầu tư dựa trên chỉ số chứng khoán trong nước và biên lai lưu ký (DR), cũng như cổ phiếu nước ngoài dựa trên quỹ ETF nước ngoài. Ông Chaiyaporn cho rằng, đầu tư vào những tài sản này phù hợp với những người mới.

Cơ hội và rủi ro

Đầu tháng này, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã công bố dự án xây dựng trung tâm mua sắm, văn phòng 60 tầng trên khu đất rộng 50.000m2 tại TPHCM. Khu phức hợp trị giá 900 triệu USD này đánh dấu một khởi đầu mới ở nước ngoài của tập đoàn sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc cách đây 5 năm vì căng thẳng địa chính trị.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án vào ngày 7.9, Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết, tập đoàn sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam là "quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất Châu Á". Sau Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam sẽ trở thành thị trường số 3 của Lotte, nơi các công ty của tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực của họ.

Bất chấp sự lạc quan của Lotte, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những rủi ro cao đe dọa triển vọng phục hồi của Việt Nam, bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình trệ ở các thị trường xuất khẩu chính, các cú sốc về giá hàng hóa, tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới.

Những thách thức trong nước bao gồm tình trạng thiếu lao động, nguy cơ lạm phát cao hơn và rủi ro khu vực tài chính gia tăng.

WB khuyến cáo, trước mắt, về mặt tài khóa, cần tập trung vào việc thực hiện gói chính sách phục hồi và phát triển, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu để giúp đỡ người nghèo và người dễ bị tổn thương trước tác động của cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng. Theo WB, nếu rủi ro lạm phát trở thành hiện thực và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do chính phủ đặt ra, ngân hàng trung ương nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để giập tắt áp lực lạm phát bằng việc tăng lãi suất và thắt chặt cung cấp thanh khoản.

Nối

Khác

Xem tiếp đi