Tín dụng tiêu dùng khởi sắc cuối năm

Kinh Tế Đô Thị 30/11/2022 18:30:23

Gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng cho công nhân lao động

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gói vay hỗ trợ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên toàn quốc do Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) thuộc HDBank, và một công ty tài chính thuộc VPBank  (FE Credit) triển khai, với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, mỗi ngân hàng triển khai gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay, để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.

Tín dụng tiêu dùng khởi sắc cuối năm-1

Nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân, người lao động rất lớn dịp cuối năm.

Điều kiện tiếp cận gói vay ưu đãi là người lao động có thể vay lên tới 70 triệu đồng cho các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, thông qua nhiều hình thức như cho vay bằng tiền mặt, cho vay trả góp, hoặc chi tiêu qua thẻ tín dụng.

HD Saison và FE Credit đều cho biết, từ cuối tháng 10 đến nay đã lần lượt ký kết hợp tác với Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh để triển khai cho vay gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của mỗi đơn vị. Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp có người lao động kết nối với Liên đoàn Lao động để gửi danh sách nhu cầu vay vốn tiêu dùng.

"Chúng tôi sẽ cho vay ưu đãi công nhân để mua các phương tiện đi lại và phát hành thẻ tín dụng cho công nhân, được miễn phí thường niên tối thiểu 1 năm và có nhiều liên kết với các nhà cung cấp để cung cấp thực phẩm, hàng thiết yếu cho công nhân" - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD SAISON Nguyễn Đình Đức cho hay.

Đại diện FE Credit thông tin thêm, qua sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay thẻ tín dụng, gói tín dụng với lãi suất thấp được kỳ vọng không chỉ giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết của công nhân, mà còn hướng tới việc từng bước xây dựng thói quen vay tiêu dùng văn minh và quản lý tài chính lành mạnh. Từ đó góp phần xóa bỏ tình trạng tín dụng đen đang diễn ra phức tạp tại các khu công nghiệp hiện nay. Đồng thời tạo điều kiện cho các công đoàn của doanh nghiệp mở rộng hoạt động, nâng cao kiến thức tài chính cho người lao động, thanh toán không dùng tiền mặt.

Hạn mức và thời hạn khoản vay sẽ linh hoạt cho từng đối tượng, với mức lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường mà các công ty tài chính đang cho vay hiện nay (25 - 45%/năm) thì lãi suất vay ưu đãi khoảng 15%/năm.

Nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân, người lao động rất lớn dịp cuối năm. Nếu họ không tiếp cận được các khoản vay chính thức sẽ là cơ hội cho tín dụng đen lộng hành. Một số công ty tài chính khác cũng nhập cuộc triển khai cho vay tiêu dùng lãi suất thấp.

Điển hình như MB Shinsei (Mcredit) đang áp dụng chính sách giảm gần 50% lãi suất cho công nhân. Công nhân thuộc các doanh nghiệp có chương trình hợp tác với Mcredit sẽ được hưởng chương trình vay phê duyệt trước với lãi suất từ 24,99%/năm. Những công nhân không thuộc các doanh nghiệp có chương trình hợp tác với Công ty sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 28%/năm.

Nhận định về bức tranh cho vay tiêu dùng hiện nay, một số chuyên gia cho biết, đang có những tín hiệu rất lạc quan từ sự hồi phục chung của nền kinh tế. Do đó, Công ty kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục trong những tháng cuối năm nay, và dự kiến tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2023.

Tỷ trọng cho vay phục vụ đời sống cải thiện

Chị Trần Thanh Trà (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) chia sẻ, làm công nhân hơn 10 năm nhưng thu nhập chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng. Một mình nuôi con và mẹ già nên chị rất vất vả với các khoản chi tiêu sinh hoạt hằng tháng.

“Tôi muốn vay ngân hàng 30 triệu để đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn tăng thêm thu nhập. Tôi rất mong tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn vay kéo dài. Đặc biệt là các vấn đề về thủ tục vay và quy định trả nợ…” - chị Trà nói

Theo đại diện FE Credit, công ty phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ rủi ro từ khâu thẩm định, xét duyệt hồ sơ. Người lao động muốn tiếp cận gói vay ưu đãi này phải là đoàn viên công đoàn, có hợp đồng lao động, thu nhập ổn định, lịch sử tín dụng rõ ràng và có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng. Thời gian trả nợ, lãi suất… đều quy định rất rõ trong hợp đồng.

Trong năm 2022, tăng trưởng cho vay tiêu dùng vẫn ghi nhận tốc độ nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng bình quân. Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Thị trường tín dụng tiêu dùng được phân khúc bởi 2 nhóm nhà cung cấp chính, là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng như: Công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức cho vay khác… Gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa hơn với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính, và hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của những công ty bán lẻ.

NHNN cho biết, gói tín dụng dành riêng cho công nhân nếu kết quả khả quan sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để tạo điều kiện cho người lao động.

Nối

Khác

Xem tiếp đi