Thấy gì từ mức tăng GDP kỷ lục của Việt Nam?

Lao Động 04/10/2022 15:06:28

Tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7,5%

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam đang duy trì được mức độ tăng trưởng GDP khá tốt trong 9 tháng đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong quý III/2022 GDP đạt 13,6% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Về lạm phát, trong bối cảnh lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 tại nhiều nước tại khu vực châu Âu, châu Mỹ và một số nước ở châu Á như Thái Lan, Indonesia… tăng cao, nước ta tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp với bình quân 9 tháng năm 2022 ở mức 2,73%.

Thấy gì từ mức tăng GDP kỷ lục của Việt Nam?-1

Giới chuyên gia nhận định tích cực về đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Phan Anh

TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định, kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức. Tuy nhiên  "trong nguy có cơ", kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh và tương đối ổn định, mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7,5% là khả thi.

"Việt Nam đi ngược với xu hướng của thế giới. Tức là khi thế giới lạm phát cao thì chúng ta vẫn giữ được mức quanh 4% như dự tính của Chính phủ. 9 tháng đầu năm, Việt Nam phục hồi bứt phá ấn tượng, riêng quý III tăng trưởng đạt 13,67%. Thực tế tăng trưởng dương của Việt Nam 3 năm qua khoảng 7%, đây là mức tốt. Hiện 9 tháng đầu năm chúng ta đã tăng trưởng 8,83% thì mục tiêu cả năm, tăng trưởng đạt 7,5% là tương đối khả thi, nhưng năm tới tăng trưởng sẽ chậm hơn, dự báo khoảng 6%.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023; đầu tư công được đẩy mạnh. An ninh năng lượng và an ninh lương thực của Việt Nam đang ở mức khá tốt. Riêng mức tăng tiêu dùng của Việt Nam đạt 18%.

Vấn đề quy hoạch đang được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy. Pháp lý đã và đang được tháo gỡ: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được nghiên cứu sửa đổi...", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Môi trường hấp dẫn nhà đầu tư

TS Cấn Văn Lực đánh giá đồng tiền của chúng ta giữ tỉ giá tốt. "Ngân hàng lo lạm phát, thanh khoản giảm, dòng tiền đầu vào không tăng được, nên gần đây đã tăng cường kiểm soát dòng vốn vào thị trường bất động sản, cùng với đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng yên tâm là Thủ tướng đã ký Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16.9.2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển an toàn, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đồng tiền Việt Nam mạnh lên sẽ tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, điều này giải thích cho việc mặc dù 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng do tỷ giá đồng Việt Nam và USD ở mức ổn định, các nhà đầu tư vẫn giải ngân nhiều hơn.

Tháng 9.2022 giải ngân tăng 10,7% so với cùng kỳ cho thấy lượng ngoại tệ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, góp phần giảm áp lực tăng tỷ giá. Nền kinh tế giữ ổn định, tăng nhẹ lãi suất giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được trạng thái cân bằng, có dư địa, lợi thế trong xuất nhập khẩu hàng hóa cả chiều xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Nối

Khác

Xem tiếp đi