Rộng cửa xuất khẩu gạo

Đại Đoàn Kết 20/11/2022 12:07:36
Rộng cửa xuất khẩu gạo-1

Nhiều cơ hội cho ngành gạo xuất khẩu bứt phá.

Xuất khẩu gạo tăng ngoạn mục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu gạo trong tháng 10/2022 của Việt Nam ước đạt 700.000 tấn, với giá trị đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn, dù đây là mức giảm (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021 song so với giá trị xuất khẩu trung bình của các nước, chúng ta vẫn đạt mức cao. Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu của chúng ta đang vượt lên trên giá trị xuất khẩu trung bình của Thái Lan (nước có giá gạo bình quân cao thứ 2). Theo đó, tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không đổi ở mức 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 này.

Việc xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị được lý giải một phần nguyên nhân là do Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này. Theo đó, quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này và áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).

Động thái này của Ấn Độ đã khiến cuộc đua xuất khẩu gạo thường góp mặt 3 đối thủ mạnh là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, thì nay đường đua chỉ còn lại Việt Nam và Thái Lan.

Cơ hội khai thác nhiều thị trường tiềm năng

Như vậy, cơ hội cho xuất khẩu gạo tăng tốc đang ở phía trước, và chúng ta hoàn toàn tin tưởng khả năng bứt phá của ngành gạo trong thời gian tới là trong tầm tay. Sở dĩ khẳng định như vậy là bởi thị trường xuất khẩu của ngành gạo nước nhà đang mở ra rất nhiều tiềm năng.

Đơn cử, Philippines là một quốc gia nhập khẩu sản lượng gạo hàng năm rất lớn. Và trong 9 tháng năm 2022, thị trường này đã nhập khẩu gạo Việt đạt 2,47 triệu tấn trị giá 1,14 tỷ USD, tăng35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Quốc gia mua gạo lớn thứ hai thế giới này dự kiến sẽ nhập khẩu tổng khối lượng 3,4 triệu tấn gạo trong năm nay. Đây chính là thị trường tiềm năng của gạo Việt xuất khẩu và chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt thời cơ này khi Ấn Độ - đối thủ nặng ký nhất đã bị “bỏ lại trên đường đua”.

Xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Trong 10 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 84,8%; sang thị trường EU tăng 82,2%. Đáng chú ý, tại thị trường EU, rất nhiều quốc gia có nhu cầu về nhập khẩu gạo đã và đang mở ra cơ hội cho gạo Việt thâm nhập, khai thác. Đơn cử như thị trường Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%. Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2020, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh đã tăng thêm 13,5% từ 671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn.

Trong đó, gạo nhập từ Việt Nam tăng từ 1.296 tấn (trị giá 1.295.000 USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD) trong cùng thời gian. Như vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019.

“Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn rất lớn, có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt 100 nghìn người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)” - ông Cường nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU. Để tăng thị phần cho gạo Việt tại các thị trường lớn giàu tiềm năng, giới chuyên gia cho rằng, người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global G.A.P, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc Ấn Độ bị hạn chế xuất khẩu gạo đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Ông Nam dự báo, vụ lúa Đông – Xuân 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường trong và ngoài nước để có những kế hoạch, chiến lược xuất khẩu hợp lý.

Theo VFA, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.

Nối

Khác

Xem tiếp đi