OPEC+ mạnh tay cắt giảm sản lượng gây phản ứng từ quốc tế và thị trường

VOV 07/10/2022 17:10:22

Hôm qua (5/10), trong cuộc họp chính sách tại Viena, Áo, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày , bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Thế giới và thị trường đã có những phản ứng trước động thái của OPEC+.

Giá dầu thế giới hôm 5/10 đã tăng lên sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng khai thác. Cụ thể, vào cuối phiên giao dịch, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (1,4%), lên 87,76 USD/thùng, Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 1,57 USD (1,7%), lên 93,37 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt giảm trong phiên 5/10, trong đó chứng khoán Phố Wall kết thúc chuỗi 2 ngày tăng điểm liên tiếp sau số liệu kinh tế của Mỹ. Giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch 5/10.

OPEC+ mạnh tay cắt giảm sản lượng gây phản ứng từ quốc tế và thị trường-1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, nguồn cung cấp năng lượng từ bất cứ đâu phải thực sự đáp ứng nhu cầu là đảm bảo nguồn cung và giá được giữ ở mức thấp. (Ảnh: CNN)

Quyết định của OPEC+ được đưa ra bất chấp các quan chức chính quyền Mỹ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng, hoặc ít nhất là giữ nguyên ở mức hiện tại. Ngay sau quyết định của OPEC+, Nhà Trắng bày tỏ thất vọng về động thái này, gọi đây là quyết định thiển cận. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tìm cách đẩy mạnh sản xuất năng lượng trong nước, làm suy giảm khả năng kiểm soát giá năng lượng của OPEC, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục mở kho dự trữ dầu mở chiến lược quốc gia.

“Khi nói đến OPEC, chúng tôi đã nói rõ quan điểm của mình với các thành viên Tổ chức này. Chúng tôi có nhiều lợi ích liên quan và điều đó đã được Tổng thống Mỹ đề cập trong chuyến thăm Saudi Arabia gần đây. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để đảm bảo trong khả năng của mình, rằng nguồn cung cấp năng lượng từ bất cứ đâu phải thực sự đáp ứng nhu cầu là đảm bảo nguồn cung và giá được giữ ở mức thấp”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Trên thực tế trong nhiều tuần gần đây, giá dầu thế giới liên tục giảm, xuống mức bằng thời điểm trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, do những lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm, việc Mỹ tăng lãi suất và thực tế giá đồng USD đang mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - quốc gia đứng đầu OPEC, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman Al-Saud khẳng định, quyết định của OPEC+ giúp ổn định thị trường.

“Chúng tôi không gây nguy hiểm cho thị trường năng lượng. Chúng tôi đang cung cấp sự ổn định an ninh cho thị trường năng lượng. Mọi thứ đều có giá và an ninh năng lượng cũng vậy. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là ổn định thị trường. Bây giờ, chúng tôi có thể bị buộc tội muốn ảnh hưởng đến thị trường theo cách tiêu cực. Đó là quyền của mọi người, nhưng các bạn hãy xem chúng tôi ứng xử như thế nào trong những tháng tới”, Abdulaziz Bin Salman Al-Saud bày tỏ.

Quan chức Saudi Arabia lý giải, mức cắt giảm thực tế so với mức hiện tại có thể chỉ khoảng 1 - 1,1 triệu thùng/ngày, do một số quốc gia thành viên OPEC+ đang không khai thác đủ lượng cam kết trước đó. Trong khi đó, Nga – đối tác lớn của OPEC cho rằng, quyết định của OPEC+ là cần thiết, trong bối cảnh Mỹ đang vũ khí hóa đồng đôla, nhu cầu với dầu giảm khi kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, cũng như việc Nga buộc phải cắt giảm sản lượng do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Cùng chung quan điểm này, Phó Tổng thống phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck el Aissami cũng đánh giá cao quyết định cắt giảm mạnh sản lượng của OPEC+. Ông này cho rằng: “Sự cân bằng của thị trường năng lượng là cần thiết để đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy cho tất cả các quốc gia”, đồng thời nhận định “việc áp đặt các lệnh trừng phạt, phong tỏa nhằm vào các nước sản xuất dầu chính là một phần của các biện pháp vô nghĩa và phi lý đã gây ra sự mất cân bằng trên thị trường năng lượng”./.

Nối

Khác

Xem tiếp đi