Ninh Bình: Kiểm tra loạt cây xăng dầu treo biển 'hết xăng', tạm đóng cửa

VietnamFinance 07/10/2022 16:32:55

Việc nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình treo biển "hết xăng" trùng với thời điểm quy định giảm giá xăng dầu có hiệu lực trong chiều 3/10, khiến nhiều khách hàng thắc mắc và khó hiểu.

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra, xác minh cho thấy, đa phần các đại lý treo biển "hết xăng" là do không dự trữ được nguồn hàng dồi dào, phần lớn các đại lý chỉ nhập nguồn hàng để bán trong một vài ngày, dẫn đến tình trạng hết hàng vào một số thời điểm nhất định. Đặc biệt là ngày gần với thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo quy định thì các đại lý nhập hàng rất hạn chế.

Ninh Bình: Kiểm tra loạt cây xăng dầu treo biển 'hết xăng', tạm đóng cửa-1

Cây xăng dầu cầu Huyện (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư) treo biển hết xăng từ chiều ngày 3/10 đến sáng nay 4/10 vẫn chưa mở cửa lại.

Theo Cục QLTT Ninh Bình, việc các đại lý treo biển "hết hàng", "hết xăng" chỉ là sự trùng hợp sau thời điểm giảm giá chứ không có tình trạng găm hàng. Đến đầu giờ chiều 4/10, nhiều cửa hàng đã kịp thời nhập đủ nguồn hàng để cung cấp cho nhu cầu thị trường, mọi hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường trở lại.

Trước đó, không chỉ Ninh Bình, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng treo biển tạm nghỉ, dừng bán hàng với lý do đứt gãy nguồn cung, khó khăn về tài chính.

Từ đầu năm đến nay, do thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong quý II/2022, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu. Sang quý III, giá xăng dầu thế giới “đảo chiều” giảm mạnh, trong khi nhiều doanh nghiệp nhập lượng xăng dầu lớn, với giá cao, dẫn đến bị thua lỗ khi giá trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Để tiết giảm chi phí và thiệt hại, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Mặt khác, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng cao nhưng để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này, Bộ Tài chính chưa công bố điều chỉnh giá cơ sở do Nhà nước điều hành. Muốn duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.

Theo nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu, mức chiết khấu, hoa hồng bán hàng thấp, thu không đủ chi khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải “cõng” hàng loạt các khoản chi phí như tiền công lao động, bảo hiểm y tế, xã hội, chi phí vận chuyển,... cho nên nhiều cửa hàng xăng dầu rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ. Muốn “cắt lỗ”, dừng hoạt động lại bị các cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu bán hàng, không được phép đóng cửa. Để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, mức chiết khấu phải đạt ngưỡng 1.400 đồng đến 1.600 đồng/lít mới giúp doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, doanh nghiệp sẽ rơi vào thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xem xét quyết định các chi phí hợp lý theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các bên liên quan.

Đánh giá về việc Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, bao gồm cả xăng E5, E10 và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu đi-ê-den, dầu hỏa, dầu ma-dút, dầu nhờn và mỡ nhờn, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) khẳng định, việc đề xuất giảm thuế xăng dầu là cần thiết nhưng chưa đủ. Bộ Tài chính phải tháo gỡ bằng cách nâng chi phí kinh doanh định mức cho các thương nhân đầu mối, tính chi phí tạo nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho cảng xăng dầu,... Khi tính đúng, tính đủ, các doanh nghiệp đầu mối mới có cơ hội tăng thêm thù lao, chiết khấu, hoa hồng cho các đơn vị bán lẻ.

Nối

Khác

Xem tiếp đi