Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình

Lao Động 20/11/2022 12:44:51
Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-1

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề của những người dân du canh, du cư ở vùng cao Hoà Bình. Ảnh: Khánh Linh

Bản nhiều không

Chúng tôi đến xã vùng cao Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình giữa một ngày đầu đông, lúc sương mù còn phủ kín những bản làng lưng chừng núi.

Khi PV ngỏ ý muốn đến mục sở thị bản nhiều không ở bên kia sườn núi, ông Lò Văn Thiên - Chủ tịch UBND xã ái ngại: "Đường đi khó lắm đấy, liệu cô có đi được không? Họ sống ở lưng chừng núi, đường có những đoạn dựng đứng cơ, trời nắng may ra còn đi được chứ trời mưa thì chịu".

Bản nhiều không được nhắc đến là khu Suối Rằm, thuộc địa phận xóm Táu Nà, xã Cun Pheo - nơi có 50 hộ người dân tộc Mông từ các địa phương du canh du cư đến đây làm nương rẫy.

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-2

Thoạt nhìn, những ngôi nhà bé nhỏ, dột nát như chiếc lều canh nương.

Trong đó, 31 hộ, 167 khẩu là người dân của xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Còn lại, 19 hộ, 115 khẩu là người của xã Hua Nhàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hiện, tất cả đang sinh sống và canh tác nhờ trên diện tích đất của Công ty xuất nhập khẩu Mai Bình.

"Với 19 hộ từ Sơn La xuống, vì du canh du cư tự do nên quê cũ đã xoá hộ khẩu. Nơi ở mới chưa nhập được khiến họ không có giấy tờ tuỳ thân, không có bảo hiểm y tế, con trẻ sinh ra cũng không có giấy khai sinh, không được đi học.

Năm 2016, khi được vận động quay trở về nơi ở cũ, bà con không về và mong muốn được ở lại. Xã đã đề nghị huyện có phương án cho họ được ở đây" - ông Thiên cho hay.

Lời nói của vị chủ tịch đã thôi thúc chúng tôi phải khám phá bằng được bản kỳ lạ này.

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-3

Trong nhà chẳng có lấy một đồ vật đáng giá.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ từ trung tâm xã băng qua con đường đất ngoằn ngoèo men theo sườn núi, phóng viên đã có mặt tại khu dân cư Suối Rằm.

Thoạt nhìn từ đằng xa, những ngôi nhà nhỏ chỉ hơn chục mét vuông được dựng lên sơ sài, mái che bạt trông như những chiếc lán canh nương.

Trong ngôi nhà 7 người sinh sống của anh Khà A Chứ (SN 1979), chẳng có bất cứ đồ vật gì đáng giá ngoài vài chiếc xoong nồi đã cũ và mấy chiếc chăn mỏng.

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-4

Cả đường đi lại, đất ở và đất canh tác đều mượn nhờ của Công ty Xuất nhập khẩu Mai Bình.

Anh Chứ tâm sự: "Gia đình tôi từ xã Hang Kia, huyện Mai Châu di cư sang đây từ năm 1983 và ở từ đó đến giờ".

Hỏi chuyện được biết, anh Chứ có 4 người con. Con trai lớn lấy vợ từ năm 14 tuổi, đến nay cũng đã đã có 4 cháu, đứa lớn đã 5 tuổi, đứa nhỏ nhất 1 tuổi. Tuy nhiên, tất cả những đứa trẻ nói trên đều không được đi học.

"Trường học thì xa mà đường đi lại khó khăn nên đành cho nó ở nhà thôi" - anh Chứ chia sẻ.

Trăn trở giấc mơ an cư

Rời nhà anh Chứ, chúng tôi tiếp tục leo thêm những con dốc dựng đứng để đến nhà  anh Thào A Pó (SN 1979).

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-5

Không được đi học, lũ trẻ nơi đây chỉ có thể quanh quẩn chơi gần nhà hoặc theo bố mẹ lên nương.

Ngôi nhà rộng khoảng 60m2 là chỗ trú mưa, trú nắng của 10 thành viên, được dựng lên bằng những tấm gỗ xẻ sơ sài, vá chằng vá đụp xung quanh. Bạt lợp mái cũng đã có dấu hiệu mủn do tác động của mưa rừng, gió núi.

Anh Pó kể: "Gia đình chúng tôi di cư xuống đây từ năm 2015, do trên quê đất canh tác ít và đã bạc màu".

Hai đứa con anh đang học lớp 3 và lớp 5 đã phải bỏ dở để cùng gia đình đi tìm kế sinh nhai.

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-6

Người dân nơi đây sống trong những căn nhà lụp xụp, dột nát.

"Nhà tôi trồng 3ha lúa nương, năm nào được mùa thì được 50 tải lúa, đủ no cả năm. Còn mất mùa như năm nay, chỉ được 30 tải, giáp hạn là vợ con lại đói.

Cũng muốn được cho con đi học lắm chứ! Phải biết chữ thì mới biết làm ăn. Nhưng ở đây không có trường lớp, đi học dưới xã thì xa quá, cũng không đứa nào có giấy tờ hợp pháp" - anh Pó bộc bạch.

Khi được hỏi về việc khám, chữa bệnh, anh Pó cười buồn: "Thì đành đi khám ở phòng khám ngoài thôi hoặc tự chữa bệnh ở nhà. Mong lắm ngày được xuống khu tái định cư để có đất ở, có giấy tờ, con còn được đi học, khám bệnh có bảo hiểm y tế"...

Những phận đời "không gì cả" ở vùng cao Hoà Bình-7

Những người dân ở đây đều mong muốn được ổn định chỗ ở, nơi canh tác và mong con cái được đi học.

Ông Lò Văn Thiên trăn trở: "Hiện, trong bản Mông có 47 cháu đang trong độ tuổi đi học, tuy nhiên không ai được đến trường. Những người dân ở đây thực sự rất thiệt thòi, không có hộ khẩu hợp pháp, không được hưởng bất cứ chế độ nào".

Thông tin từ UBND xã Cun Pheo cho biết, năm 2018, UBND huyện đã khởi công dự án khu tái định cư cho 51 hộ dân khu Suối Rằm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, đảm bảo mặt bằng cho 21 hộ.

"Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị UBND huyện sớm hoàn thiện dự án tái định cư để bà con ổn định cuộc sống" - vị lãnh đạo nói thêm.

Nối

Khác

Xem tiếp đi