Một số ý kiến góp ý đối với Luật Dầu khí (sửa đổi)

Lao Động 28/09/2022 18:53:16

Sau khi nghiên cứu dự thảo, Luật Dầu khí (sửa đổi), tôi xin tham gia một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật này. Cụ thể:

Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 5 dự thảo, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Khoản 3 Điều 12 quy định cá nhân phải liên danh với tổ chức để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

Tuy nhiên, toàn bộ dự thảo không quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân khi liên danh với tổ chức để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí tại Việt Nam.

Dự thảo cũng không quy định hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí khi cá nhân liên danh với tổ chức để thực hiện (Khoản 3 Điều 10 dự thảo chỉ quy định hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí trong trường hợp cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức khác chủ trì thực hiện đề án).

Vì vậy, để bảo vệ quyền của cá nhân cũng như cụ thể về nghĩa vụ của cá nhân khi liên danh với tổ chức để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí tại Việt Nam; làm rõ hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí khi cá nhân liên danh với tổ chức, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 dự thảo, một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Vì vậy, đề nghị cần làm rõ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Điều 10 dự thảo; hợp đồng dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 dự thảo hay giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 27 có là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí không?

Nếu coi đây là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí, đề nghị quy định rõ để đảm bảo tính minh bạch của văn bản pháp luật.

Thứ ba, tại Điều 26 dự thảo quy định trường hợp bất khả kháng là một trong các trường hợp tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí (Khoản 6 Điều 26).

Thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng không tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí (Khoản 7 Điều 26).

Dự thảo không quy định cụ thể những trường hợp được công nhận là trường hợp bất khả kháng. Nội dung chính của hợp đồng dầu khí quy định tại Điều 30 cũng không quy định các bên thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng trong hoạt động dầu khí. Dự thảo cũng không giao Chính phủ quy định về trường hợp bất khả kháng.

Sở Tư pháp nhận thấy, sự kiện bất khả kháng là sự kiện rất quan trọng. Sự kiện này xuất hiện dẫn tới tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí; kéo dài thời gian thực hiện một số hoạt động khác có liên quan.

Đề nghị xem xét, quy định trường hợp bất khả kháng trong hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc quy định các bên trong hợp đồng dầu khí thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng và thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng là một trong các nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí.

Thứ tư, tại Điều 15, việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí được thực hiện bằng một trong các hình thức. Theo đó, chào thầu cạnh tranh được thực hiện khi không nằm trong kế hoạch đấu thầu và kèm theo một số tiêu chí cụ thể.

Tuy nhiên, dự thảo không thể hiện trường hợp đấu thầu hạn chế có trong kế hoạch đấu thầu hay không có kế hoạch đấu thầu? Ngoài ra, trách nhiệm đề xuất đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh; thẩm quyền quyết định đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh cũng chưa được quy định.

Vì vậy, để đảm bảo thực hiện được việc đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh trong hoạt động dầu khí, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các vấn đề nêu trên.

Thứ năm, thực tế sản lượng dầu khí ở Việt Nam đang dần suy giảm, việc ban hành chính sách khuyến khích thu gom khí đồng hành và phát triển khai thác các mỏ cận biên là hết sức cần thiết để tiếp tục duy trì và gia tăng sản lượng khai thác dầu khí ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngoài việc góp phần phát triển kinh tế, hoạt động dầu khí còn gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia...

Vì vậy, để thực sự đẩy mạnh, thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tôi cho rằng việc quy định chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu là cần thiết (Điều 55 dự thảo).

Tuy nhiên, đề nghị xem xét quy định cụ thể ngay trong Luật mức thu hồi chi phí tối đa sản lượng dầu khí khai thác được trong năm thay vì quy định nguyên tắc thu nộp ngân sách nhà nước đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu như dự thảo.

Nối

Khác

Xem tiếp đi