Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào thị trường điện tử

Lao Động 07/10/2022 21:45:55
Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào thị trường điện tử-1

Công nhân doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội, sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi về thực trạng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ

Công Thương

- cho biết, các doanh nghiệp điện tử đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, như Hàn Quốc (Samsung), Nhật Bản… ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Theo thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,54 tỉ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2020. Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt gần 51 tỉ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỉ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt gần 9,7 tỉ USD, tăng 10,3%...

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc thời gian đầu năm nhưng ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học năm 2021 tăng 9,6% so cùng  kỳ. Sản phẩm điện thoại di động đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; sản lượng linh kiện điện thoại đạt hơn 480.000 tỉ đồng, tăng 29,5%.

Trong giai đoạn 2016-2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân 23,8%. Kết quả này đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử. Tuy nhiên, đến 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI.

Đáng chú ý, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế trong thời gian qua nhiều tập đoàn, công ty lớn như Apple, Intel, Pegatron, Wiltron... đều bày tỏ sự quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, thời gian vừa qua, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp ngành công nghiệp điện tử chưa đủ mạnh và chưa trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung cũng như các doanh nghiệp điện tử nói riêng. Việt Nam cần phải tập trung vào hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Các chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển phải có trọng tâm, đẩy mạnh việc nghiên cứu hợp tác chung giữa các tập đoàn lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - chia sẻ, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội và triển vọng thành hiện thực là cần đề ra giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; cần ban hành chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ.

Nối

Khác

Xem tiếp đi