Giáo sư Michiko có thể kiện NSX phim Em và Trịnh theo điều luật nào?

Lao Động 23/09/2022 14:04:23
Giáo sư Michiko có thể kiện NSX phim Em và Trịnh theo điều luật nào?-1

Hình ảnh GS Michiko trên phim "Em và Trịnh". Ảnh: ĐPCC

Bộ phim “Em và Trịnh” tiếp tục vấp phải những ồn ào. Giáo sư Michiko Yoshii - một trong những phụ nữ gắn bó với nhạc Trịnh Công Sơn lúc sinh thời cho biết, phim “Em và Trịnh” khai thác những chi tiết giống hệt cuộc đời bà nhưng không hề xin phép. Ở góc nhìn luật sư, theo anh, việc làm phim về những người thật việc thật cần tuân thủ những quy định như thế nào?

- Bộ phim “ Em và Trịnh ” được giới thiệu là phim tiểu sử tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bóng hồng đi qua đời ông. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhân vật có thật, những người phụ nữ trong cuộc đời ông cũng là những người có thật, có danh tính rõ ràng. Do đó khi nhà sản xuất phim xây dựng lại hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cần phải tôn trọng sự thật gắn liền với cuộc đời nhạc sĩ.

Trong Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rất rõ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của họ.

Theo đó, Điều 32 quy định “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” ghi rõ, “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây sẽ không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, đó là: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Và hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc được sử dụng hình ảnh của người khác phải được sự đồng ý của họ hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

Trong Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006 cũng có quy định về những hành vi cấm trong hoạt động điện ảnh.

Việc đơn vị sản xuất phim dựa vào nhân vật có thật để dựng lại một bộ phim về cuộc đời của nhân vật đó, cần phải tôn trọng sự thật khách quan về cuộc đời của họ.

Sử dụng hình ảnh của những cá nhân này phải có sự đồng ý của họ  hoặc người đại diện theo pháp luật để tránh việc tranh chấp không đáng có liên quan đến nội dung hình ảnh của nhân vật mà bộ phim gây dựng.

Giáo sư Michiko có thể kiện NSX phim Em và Trịnh theo điều luật nào?-2

Hình ảnh nhân vật Michiko trên phim “Em và Trịnh“. Ảnh: ĐPCC

Phía giáo sư Michiko Yoshii cho biết, nếu nhà sản xuất “Em và Trịnh” không xin lỗi, bà sẽ khởi kiện. Theo anh, giáo sư có thể kiện nhà sản xuất phim ở những sai phạm như thế nào?

- Giáo sư Michiko cho rằng nhà sản xuất đã làm phim về bà mà không xin phép. Nếu đúng như những gì Giáo sư Michiko đã thông tin, nhà sản xuất đã xây dựng một nhân vật theo nguyên mẫu là Giáo sư Michiko mà không hề có sự cho phép của bà.

Điều này đã trực tiếp xâm phạm đến quyền của giáo sư đối với hình ảnh của bà đã được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015. Việc bị xâm phạm về quyền đối với hình ảnh cá nhân như vậy, dẫn đến cuộc sống của giáo sư Michiko bị ảnh hưởng.

Theo Khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự thì Giáo sư Michiko có quyền khởi kiện đơn vị sản xuất phim để yêu chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại mà bà phải gánh chịu khi nhà sản xuất đã sử dụng hình ảnh của bà mà không xin phép.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ứng xử của nhà sản xuất đang gây tranh cãi, họ liên tục từ chối phát ngôn và trì hoãn việc xin lỗi. Góc nhìn của anh về sự việc?

Có hay không việc đã xin phép các nhân vật thực tế để sản xuất bộ phim “Em và Trịnh”?

Nếu đơn vị sản xuất đã xin phép và được các cá nhân này cho phép thì việc thỏa thuận giữa các bên là gì? Điều này sẽ là những yêu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhà sản xuất đưa ra phát ngôn xin lỗi đối với những nhân vật có thật đang phản ứng về nội dung bộ phim.

Trong trường hợp đơn vị sản xuất phim chưa xin phép những cá nhân này, dẫn đến những xung đột về việc sử dụng hình ảnh. Theo cá nhân tôi, sự việc diễn ra theo chiều hướng đó thì các nhà sản xuất nên thương lượng với các bên để thống nhất lại về hướng giải quyết cho phù hợp.

Tránh trường hợp mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt sẽ là sự bất lợi cho nhà sản xuất.

Giáo sư Michiko có thể kiện NSX phim Em và Trịnh theo điều luật nào?-3

Luật sư Nguyễn Minh Long - công ty Luật Dragon. Ảnh:FBNV

Trước GS Michiko, ca sĩ Khánh Ly đã phản ứng và cho rằng phim “Em và Trịnh” có những chi tiết bóp méo mối quan hệ giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Thời điểm đó, nhà sản xuất cho rằng, phim họ có phần hư cấu và không hề có ý định bôi nhọ ai, chỉ có mục đích tôn vinh. Lần này, khi GS Michiko nói, bà im lặng trong thời gian dài để không ảnh hưởng đến doanh thu phim, phía nhà sản xuất lại đang im lặng, lần lữa. Đánh giá của anh về ứng xử của nhà sản xuất?

Nhà sản xuất nói rằng điện ảnh có quyền hư cấu, tuy nhiên đây là đối với những tác phẩm văn học, dựa trên trí tưởng tượng của tác giả. Còn đối với bộ phim “Em và Trịnh” là một tác phẩm dựa trên cuộc đời của một con người có thật.

Những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiện nay vẫn còn sống, việc tôn trọng hình ảnh của họ là thượng tôn pháp luật.

Việc điện ảnh có thể xây dựng nhân vật có hơi hướng hư cấu hơn, tuy nhiên cũng không thể nào vi phạm điều cấm tại Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006 được.

Những cá nhân được nói đến trong bộ phim, cho rằng bộ phim đang đi theo hướng không đúng sự thật, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ một cách nghiêm trọng. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của những cá nhân này khi chưa được phép và đưa ra những thông tin sai sự thật thì đã vi phạm những quy định về sử dụng hình ảnh của cá nhân và có thể thấy cũng phần nào vi phạm về luật điện ảnh.

Còn trong quá trình công chiếu, những cá nhân cho rằng quyền lợi của cá nhân mình bị xâm phạm có thể lên tiếng ngay tại thời điểm đó, hoặc lên tiếng khi họ nhận thấy đấy là lúc phù hợp để họ đưa ra những yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đó hoàn toàn là quyền cá nhân, không ảnh hưởng gì đến quy trình giải quyết vụ việc.

Điều này được thể hiện tại Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Việc Giáo sư Michiko không thực hiện quyền của mình ngay tại thời điểm bộ phim được công chiếu không ảnh hưởng gì đến việc sau này bà muốn đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Nối

Khác

Xem tiếp đi