Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Đề xuất hợp nhất 3 ban chỉ đạo và 2 quỹ

Lao Động 23/09/2022 12:13:06
Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Đề xuất hợp nhất 3 ban chỉ đạo và 2 quỹ-1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: PV

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022, chiều 22.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Phòng thủ dân sự .

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, với 7 chương, 71 điều, dự án luật tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ được xác định thành 4 cấp từ thấp đến cao (Điều 21). Dự thảo Luật quy định thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 22), thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự (Điều 23), phân công trách nhiệm phòng thủ dân sự (Điều 24); các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3 (Điều 25 đến Điều 27).

Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (cấp độ 4): Các biện pháp phòng thủ dân sự áp dụng trong tình trạng khẩn cấp bảo đảm có giới hạn cụ thể, phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật (Điều 28, Điều 29).

Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh: Quy định các biện pháp phòng thủ dân sự khi có chiến tranh, các biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra (Điều 30, Điều 31).

Ngoài ra, dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Về nguồn lực, theo dự thảo luật, Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hợp nhất Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch.

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, bố cục của dự thảo Luật được xây dựng cơ bản hợp lý, nhưng đề nghị cần bám sát khái niệm “Phòng thủ dân sự” để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp.

Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Đề xuất hợp nhất 3 ban chỉ đạo và 2 quỹ-2

Thiếu tướng Lê Tấn Tới.

Theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến nhất trí bổ sung khái niệm “phòng thủ dân sự” là cần thiết, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn về nội hàm của khái niệm này.

Một số ý kiến cho rằng nội dung giải thích “Sự cố” còn chung chung, khó xác định mức độ hậu quả thiệt hại và mối quan hệ với “sự cố” trong các luật chuyên ngành, dẫn đến hiểu và áp dụng thiếu thống nhất. Ý kiến khác đề nghị phân biệt khái niệm “Sự cố” với các tai nạn, sự việc thông thường do các luật chuyên ngành điều chỉnh; có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “Thảm họa” và “Giãn cách xã hội”.

Về đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố, báo cáo thẩm tra đề nghị thể hiện rõ hơn về các tiêu chí để đánh giá chính xác mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố; quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ rủi ro.

Về Quỹ Phòng thủ dân sự, có ý kiến cho rằng, việc gộp hai quỹ là không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và không phù hợp với thực tiễn, tính chất của 2 loại quỹ này là khác nhau; có ý kiến đề nghị quy định mô hình quỹ Phòng thủ dân sự là bắt buộc.

Nối

Khác

Xem tiếp đi