Đồng bộ giải pháp ngăn 'tín dụng đen' - Bài cuối: Hoàn thiện khung pháp lý

Báo tin tức 07/10/2022 21:35:48
Đồng bộ giải pháp ngăn 'tín dụng đen' - Bài cuối: Hoàn thiện khung pháp lý-1

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao vốn cho người lao động khó khăn trên địa bàn thành phố. Ảnh: TTXVN phát

Tín dụng an toàn - lá chắn bảo vệ người lao động

Để phòng, chống nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, len lỏi vào đời sống của công nhân, người lao động các chuyên gia tài chính cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong việc tạo điều kiện cho tín dụng chính thống phát triển để người vay tiếp cận dễ dàng.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các bộ, ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý; tăng cường nhận thức của người dân về các kênh tín dụng chính thức, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ. Đồng thời, các tổ chức tín dụng hỗ trợ triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến các đối tượng yếu thế với quy mô lớn, rộng khắp cả nước.

Theo ông Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền và nhanh chóng tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là một trong những dịch vụ cho vay online được đề cập trong dự thảo cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. Sandbox sẽ là nền tảng quan trọng góp phần loại bỏ các app cho vay kiểu “tín dụng đen” vì công ty tham gia phải công khai thông tin. Người vay hiểu rõ mới được tham gia.

Đại diện FE Credit khuyến nghị các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người vay thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Các công ty tài chính, ngân hàng nhà nước phải đồng hành với người vay để bảo đảm họ có tài chính cho các khoản trả hàng tháng, từ đó, tạo động lực cho người vay an toàn, lành mạnh.

Từ thực tiễn, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều công nhân, người lao động đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng. Trong những lúc quá khó khăn, “bức bách”, họ đã phải tìm đến “tín dụng đen” với thủ tục “cực” đơn giản để trang trải cuộc sống gia đình.

“Do vậy, hệ thống ngân hàng cần mở rộng các giải pháp ngắn hạn, lâu dài; áp dụng lãi suất ưu đãi đối với công nhân người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và hơn hết là cải tiến, hỗ trợ thủ tục những trường hợp vay nhỏ nhằm tạo động lực giúp người nghèo nỗ lực vượt khó”, bà Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, hiện CEP đang tìm các giải pháp để tăng vốn nhằm giải quyết nhu cầu vay rất lớn và cấp thiết của người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho nguồn vốn, thủ tục cho vay cần có những ràng buộc nhất định, không dễ như vay qua app; mức vay cũng hạn chế, nên nhiều công nhân, người lao động còn ngại khi vay vốn. Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ có đề án phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân, người lao động, trong đó, có nội dung đề xuất chính sách với Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động nghiên cứu hỗ trợ tăng nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ thống chân rết của CEP tại cơ sở để hỗ trợ công nhân, người lao động vay vốn.

Các chuyên gia tài chính khuyến nghị đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính tiêu dùng, liên tục truyền thông cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo của "tín dụng đen", đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh, hiệu quả; nâng cao ý thức bảo mật và giữ an toàn thông tin cá nhân để phòng tránh các rủi ro gian lận, tội phạm "tín dụng đen" lợi dụng.

Dưới góc độ doanh nghiệp cho vay tiêu dùng, đại diện FE Credit khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định vay qua các app, nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của "tín dụng đen". Đồng thời, các ngành chức năng sớm hoàn thiện quy định pháp luật đối với dịch vụ cho vay tiền qua app; xây dựng và công bố công khai danh sách các app vay tiền online hợp pháp để người dân nắm rõ thông tin trước khi quyết định vay tiền.

Các tổ chức, cơ quan chức năng liên kết để phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với từng nhóm khách hàng, đặc biệt là nhóm có nguy cơ tiếp cận tín dụng đen cao. Bên cạnh đó, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả; đa dang hóa sản phẩm theo nhu cầu, độ tuổi, vùng miền, thu nhập, giới tính… giúp người dân tiếp cận gần gũi hơn với các khoản vay chính thống.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Có thể thấy “tín dụng đen” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân cũng như trật tự an ninh xã hội. Do vậy, nhiều người từng lâm vào hoàn cảnh này đều mong muốn các cơ quan chức năng quản lý thật chặt, xử lý thật nặng những trường hợp cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng hình thức khủng bố để trấn an dư luận, hạn chế trường hợp rơi vào nghịch cảnh khốn cùng không ai mong muốn.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, “tín dụng đen” phát sinh chủ yếu từ những hệ lụy của tệ nạn xã hội cờ bạc, cá độ; một phần do nhận thức, hoàn cảnh của người dân. Do vậy, để hạn chế “tín dụng đen”, cần sự phối hợp của các ngành, các cấp với những nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể được giao, theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, cơ quan chức năng tập trung phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen"; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Ngành Công an đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị triển khai kế hoạch điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, các hoạt động hụi, họ, phường có dấu hiệu lừa đảo; siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ…

Đồng bộ giải pháp ngăn 'tín dụng đen' - Bài cuối: Hoàn thiện khung pháp lý-2

Nhân viên Tổ chức tài chính vi mô CEP trao vốn vay cho người lao động có thu nhập thấp để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TTXVN phát

Cùng với việc xử lý theo quy định pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các hành vi về cho vay lãi nặng, vốn là hành vi gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục hỗ trợ Công an Thành phố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phối hợp, trao đổi thông tin tình hình hoạt động, di biến động của các băng nhóm, đối tượng lưu động từ các tỉnh, thành khác vào TP Hồ Chí Minh hoạt động và trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cho vay trực tuyến...

Thời gian gần đây, việc tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có chuyển biến tích cực; tỷ lệ án truy tố, xét xử tăng. Điều này cho thấy, việc đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã đánh mạnh, đánh trúng hoạt động cho vay nặng lãi; đặc biệt, việc phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng có nguyên nhân từ “tín dụng đen”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng nặng hình thức phạt tiền hành vi vu khống, xúc phạm cá nhân trên internet (theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ). Xem xét, xử lý hình sự trường hợp "tín dụng đen" bắt giữ người trái pháp luật hoặc siết nợ trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt giữ người trái pháp luật hoặc tội cướp tài sản (theo Điều 155, 201 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngành Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông cần tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến; tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, “vay qua app” trên các thiết bị điện tử…

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân ngày càng cao, điều này không chỉ giúp mọi người tránh xa mà còn tăng cường cảnh giác, phòng ngừa mà còn chủ động phát hiện các hành vi có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cung cấp kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, việc đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” sẽ sớm thành hiện thực, đảm bảo công tác an sinh xã hội, cuộc sống an toàn cho người dân.

Nối

Khác

Xem tiếp đi