Doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn kiểm tra sau thông quan tối đa một năm

VietnamPlus 23/09/2022 11:52:56
Doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn kiểm tra sau thông quan tối đa một năm-1

Doanh nghiệp mở tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) đề xuất rút ngắn thời hạn định kỳ hậu kiểm hoặc kiểm tra sau thông quan tối đa chỉ một năm, thay vì từ 3-5 năm như hiện nay để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra cho doanh nghiệp.

Đây là một trong những đề xuất liên quan đến chính sách thuế vừa được HUBA gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 1/1/2018-30/6/2022.

Theo HUBA , công tác hậu hiểm hoặc kiểm tra sau thông quan đang là một trong những vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

[Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan]

Bởi các cuộc kiểm tra này có thể tiến hành từ 3-5 năm sau khi nghiệp vụ phát sinh. Khi phát hiện sai phạm cũng đã xảy ra trong thời gian dài, với số tiền khá lớn mà doanh nghiệp không biết được sai sót để điều chỉnh kịp thời và phát sinh phạt vi phạm hành chính, lãi phạt nộp chậm rất đáng kể.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan thuế, hải quan cần rút ngắn thời hạn định kỳ hậu kiểm hoặc kiểm tra sau thông quan, tối đa 1 năm. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm thiểu thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh đó, có một số chính sách thuế mới cũng chưa nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có quy định “tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm”.

Thực tế cho thấy, do một số ngành như bất động sản, thương mại, đầu tư… thường có doanh thu rơi vào cuối năm. Tuy nhiên, họ không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý 4, do đó nếu bắt nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp.

Vì vậy, HUBA đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 126 sao cho tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và không bất lợi hơn so với quy định trước đây là quý 4 nộp 80% số quyết toán năm.

Mặt khác, Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết cũng chưa nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.

Theo HUBA, chiếu theo quy định của Nghị định, hầu hết các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ thuộc HUBA đều có giao dịch liên kết nên đều phải lập báo cáo “Phụ lục I - Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.”

Việc này phát sinh thêm chi phí hành chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đều có chung thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, việc chuyển giá qua thuế suất hầu như là không có.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ giảm bớt quy định lập báo cáo giao dịch liên kết, đối với các doanh nghiệp không có giao dịch nước ngoài (nơi có thuế suất khác Việt Nam) hoặc không thuộc diện ưu đãi thuế…

Song song đó, quy định về việc xác định doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết khi vay tín dụng ngân hàng (vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của công ty) cũng nên xem xét điều chỉnh tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, đại diện HUBA cũng cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp .

Tuy nhiên, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường hiện nay ở mức 20% là khá cao khi một số quốc gia trên thế giới đang có xu hướng cạnh tranh đầu tư bằng cách giảm thuế suất xuống mức 15%./.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nối

Khác

Xem tiếp đi