Điệp khúc cuối năm đào vỉa hè ở Hà Nội: Cần kiểm định lại từng đoạn đường

Lao Động 30/11/2022 14:22:18
Điệp khúc cuối năm đào vỉa hè ở Hà Nội: Cần kiểm định lại từng đoạn đường-1

PGS.TS Dương Vân Phong phân tích vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên nhưng sau thời gian ngắn sử dụng đã bị nứt vỡ. Ảnh: Phạm Đông

Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Vân Phong - Giảng viên cao cấp Trường đại học Mỏ - Địa chất về việc đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm nhanh chóng xuống cấp.

Thời gian qua, một trong những câu chuyện được đề cập nhiều, đó là những viên đá lát vỉa hè được cho là có độ bền 70 năm, mới sử dụng vài năm đã vỡ, gãy phải thay thế trên một số tuyến phố. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

- Vỉa hè trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được lát mới bằng đá tự nhiên nhưng sau một thời gian sử dụng lại xuống cấp trầm trọng. Ở đây có cả hiện tượng vỡ, gập ghềnh, nhiều tuyến còn bị biến dạng...

Hiện tượng này là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Trong đó có khâu thiết kế, khâu chọn vật liệu, thi công, giám sát và sau đó nữa là sử dụng vỉa hè không đúng công năng.

Đầu tiên phải nói là thiết kế, thứ hai là đến khâu thi công, thứ ba là khâu giám sát thi công. Ba khâu này rất quan trọng và chỉ cần một trong ba khâu làm không tốt thì sẽ dẫn đến những kết quả trở thành hậu quả.

Chính vì thế, việc làm vỉa hè nhìn thì dễ nhưng không phải thế. Cần phải nghiên cứu đặc thù địa chất ở từng khu vực vỉa hè một, để rồi biết được cấu trúc địa chất, thành phần địa chất, vật lý cũng như phần hoá học như thế nào. Trên cơ sở đó mới thiết kế lớp nền, phần đầm, nén phù hợp.

Điệp khúc cuối năm đào vỉa hè ở Hà Nội: Cần kiểm định lại từng đoạn đường-2

PGS.TS Dương Vân Phong. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Độ bền của vỉa hè phụ thuộc rất nhiều vào lớp nền, lớp nền tốt thì vỉa hè mới bền vững. Nếu lớp nền không tốt thì dù lát bằng đá gì cũng sẽ xuống cấp sau một thời gian sử dụng.

Qua khảo sát, một số tuyến phố thì lớp nền đang được làm không tốt. Đa phần những người thợ ở đây đều là nông dân, thợ làm thời vụ. Họ thường chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không qua trường lớp đào tạo, sẽ không đảm bảo tính kỹ thuật. Những người thợ chỉ san lấp đất phẳng, rồi tráng một lớp vữa lên là lát đá.

Đây chỉ là đáp ứng được mặt mỹ quan chứ không hề bền vững, dẫn đến sau một thời gian đi đá sẽ vỡ vụn hoặc gập ghềnh.

Các quận, huyện của thành phố đang sử dụng nhiều loại đá khác nhau để lát vỉa hè, ông có thể phân tích về những loại đá này?

- Hiện nay, tôi không rõ thành phố chủ trương khu vực nào thì dùng đá gì, nhưng khi đi ở các quận, các huyện sẽ thấy mỗi nơi dùng một loại khác nhau.

Theo quan điểm của tôi, thứ nhất có thể mỗi vùng chọn một loại, quận này dùng loại đá này, quận kia dùng loại đá khác, nhưng trong cùng một quận thì nên cùng một loại; thứ hai đá phải đảm bảo tính thẩm mỹ và kỹ thuật; thứ ba là đảm bảo tính tiện ích cho việc sử dụng.

Hiện nay, tại một số quận, một số phường của Hà Nội, mỗi chỗ lát đá một kiểu. Việc này làm cho hình ảnh về vỉa hè có quá nhiều hình dạng nên về mặt hình thức theo quan điểm của tôi là không đẹp.

Quá trình đi thực tế, ông có cảm nhận gì về đá lát vỉa hè của Hà Nội?

- Tôi đã đi thực tế ở một số tuyến đường, vỉa hè ở một số quận nội đô Hà Nội. Tôi thấy có nhiều loại đá, có cả loại đá granite, có đá vôi, có cả loại đá nhân tạo. Tuy nhiên có một điều tôi nhận thấy là kích thước đá tự nhiên rất lớn (40x40) nhưng bề dày chỉ 4-5cm.

Nếu đá tự nhiên mà bề dày mỏng thì sẽ không tốt bởi tính đặc thù của nó không giống với đá nhân tạo. Rất nhiều tuyến không được làm tốt ở lớp nền nên tình trạng đá bên trên lát xong nhưng lớp nền lại xuống cấp trước.

Đá tự nhiên có kết cấu rất tốt. Tuy nhiên, việc tuyển chọn đá phải rất cầu kỳ. Như ở nước ngoài, đá tự nhiên thường được cắt theo kích thước 10x10cm dạng khối hộp, sẽ bền vững theo thời gian.

Điệp khúc cuối năm đào vỉa hè ở Hà Nội: Cần kiểm định lại từng đoạn đường-3

Vỉa hè nham nhở chờ lát đá. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo ông, để xảy ra câu chuyện đá lát vỉa hè được một vài năm đã hỏng thì trách nhiệm thuộc về ai?

- Như tôi đã nói, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hậu quả này là do bản thiết kế chưa chuẩn. Thứ hai là chọn đá chưa đủ chất lượng. Thứ ba là kích thước đá chưa đạt, thi công không chuẩn. Thứ tư là đơn vị giám sát thiếu trách nhiệm. Trong đó, quan trọng nhất là người lãnh đạo, cụ thể đây là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cao nhất về hậu quả này.

Chủ đầu tư là những người thay mặt Nhà nước, thay mặt thành phố chọn, giám sát nhà thầu và cuối cùng là nghiệm thu công trình. Do đó, trách nhiệm cao nhất, trách nhiệm đến cùng thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách mảng. Nếu như nơi nào làm không đạt, chưa đạt thì chỉ sau một thời gian đoạn vỉa hè mới lát sẽ xuống cấp.

Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta cần có những đánh giá lại. Trong đó, phải mời chuyên gia, các cơ quan thanh tra, kiểm tra có chuyên môn kiểm định từng đoạn đường một. Phải làm cả những đoạn vỉa hè chưa hỏng cũng như những chỗ đã hỏng để xác nhận cho Nhà nước có hay không thiệt hại .

Trên cơ sở đó chúng ta tổ chức lại việc lát đá, chỉnh trang đô thị. Còn nếu cứ tiếp tục làm như hiện nay thì kết quả, hậu quả như cũ sẽ lặp lại.

Về việc đấu thầu, các địa phương phải làm công khai, bình đẳng và đưa ra tiêu chí cụ thể để chọn nhà thầu. Nhà thầu phải có đủ năng lực chuyên môn, có bề dày về kinh nghiệm và có chuyên gia tốt để tư vấn thi công.

Tuy nhiên, vừa qua có thể thấy nhiều nhà thầu trúng thầu nhưng không đủ năng lực hoặc năng lực kém, đó cũng là  nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng lát đá vỉa hè.

Xin cảm ơn ông!

Nối

Khác

Xem tiếp đi