Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư

Lao Động 30/11/2022 14:06:47
Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư-1

Vì sao người dân "chê" không dám vào ở khu tái định cư của dự án đê trăm tỉ?. Ảnh: Tô Công.

Khu tái định cư "ba không"

Báo Lao Động đã có bài phản ánh về Dự án nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, khi đang thi công dang dở, dự án bỗng dừng đột ngột và đến nay đã 5 năm trôi qua, xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là người dân xã Điêu Lương.

Không những vậy, quá trình thu thập tài liệu phục vụ loạt bài, PV nhận thấy, bản thân khu tái định cư của dự án cũng lâm vào tình trạng bết bát không kém.

Chỉ tay về một dải đất ven đê Ngòi Cỏ thuộc địa bàn khu Đồng Chè, xã Điêu Lương, bà Vũ Thị Thiết (người địa phương) giới thiệu với PV về vị trí đất mà người dân được đền bù (để ở) sau khi đã đồng ý giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư-2

Nơi được cho là khu tái định cư của dự án đê trăm tỉ (trong vùng khoanh màu đỏ). Ảnh: Anh Tâm

Kỳ lạ ở chỗ, theo ghi nhận, nơi này chỉ duy nhất có một hộ dân đang sinh sống, xung quanh là những vườn ngô, vườn sắn, nơi chăn thả gia súc, không có hệ thống đường, điện, nước sạch...

Theo bà Thiết, từ khi dự án được khởi công, có 8 hộ dân mất nhà, mất đất thuộc diện được đền bù đất ở diện tích tương ứng, có 6/8 hộ đã được bố trí tại dải đất nêu trên, tuy nhiên tất cả đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư-3

Chỉ có duy nhất 1 hộ dân đang sinh sống tại nơi được cho là khu tái định cư này. Ảnh: Tô Công.

"Người dân mất nhà, mất đất là thật, cuộc sống vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thứ mà chúng tôi nhận được là một mảnh đất ba không: Không điện, không nước, không sổ đỏ. Như vậy, thử hỏi sao người dân có thể ra đó mà sống cho được" - bà Thiết bức xúc.

Liên lạc với hộ gia đình duy nhất đang sinh sống trên diện tích đất trên, bà Triệu Thị Dung - chủ hộ cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình sau khi giải phóng mặt bằng không còn nơi nào có thể ở nên phải xây nhà trên diện tích đất này.

Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư-4

Nhiều người dân cùng nhau phản ánh sự việc tới PV. Ảnh: Anh Tâm

"Từ khi sống ở đây, gia đình tôi phải tự đi kéo điện, nước thì trước kia phải đi xin, đi gánh. Riêng về sổ đỏ thì biết bao năm chờ đợi, gửi đơn từ, rồi các cuộc tiếp xúc cử tri đều phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa có, muốn dùng sổ đỏ để vay vốn làm ăn cũng không thể" - bà Dung ngán ngẩm.

Khó khăn vì "lịch sử để lại"

Ông Phùng Gia Nghĩa - cán bộ Địa chính xã Điêu Lương chia sẻ: "Năm 2015, huyện và xã đã xuống để "tạm" giao đất cho 8 hộ dân (không có Quyết định), dải đất đó chính là khu tái định cư của dự án nâng cấp đê Ngòi Cỏ".

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết, vì quy trình và cách thức đền bù, giao đất cho 8 hộ dân từ nhiều năm trước là không đúng, nên kéo theo nhiều vấn đề về pháp lý vướng mắc, chưa thể giải quyết ổn thỏa.

Đê trăm tỉ đang xây thì bỏ dở, dân còn chê không dám ở khu tái định cư-5

Trụ sở UBND huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

"Gọi là khu tái định cư nhưng thực tế không phải, đó là trước kia chính quyền tự giao đất, đổi đất cho dân, diện tích đất đó là đất sản xuất, trồng sắn. Đến nay, khó khăn ở chỗ, để có thể cấp được sổ đỏ cho người dân theo đúng quy định, diện tích này phải được chuyển mục đích sử dụng đất và được nộp tiền thuế sử dụng đất ".

Về phương án giải quyết, ông Lợi cho biết thêm, UBND huyện Cẩm Khê đã có văn bản số 2343/UBND-TNMT ngày 21.11.2022 gửi UBND tỉnh Phú Thọ xin ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng đất để giao đất cho các hộ gia đình cá nhân trên địa bàn xã Điêu Lương.

Phóng sự “Dự án đê trăm tỉ dừng thi công 5 năm, dân ước gì đừng làm” mà Báo Lao Động phản ánh (ngày 7.11.2022).

Cụ thể, trong văn bản trên, UBND huyện Cẩm Khê đã đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất đã giao trước đó cho người dân. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ miễn nộp tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân được giao đất.

Theo tìm hiểu của PV, dự án nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân, huyện Cẩm Khê có tổng dự toán duyệt là gần 105 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ làm Chủ đầu tư.

Dự án này được khởi công từ năm 2011, đến năm 2017 dừng thi công. Đến ngày 28.4.2017, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 1698, đồng ý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán phần khối lượng công việc đã hoàn thành. Cùng với đó, giao UBND huyện Cẩm Khê tiếp nhận, quản lý đối với tuyến đê này.

Với rất nhiều thông tin chưa được làm rõ của dự án này, ngày 8.11, PV Báo Lao Động đã đặt lịch làm việc kèm các nội dung phỏng vấn đến Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu. Tuy nhiên, 3 tuần đã trôi qua, Sở này vẫn đang im lặng.

Nối

Khác

Xem tiếp đi