Cô giáo vùng cao quyên góp sách vở, nuôi học trò nghèo

Lao Động 20/11/2022 15:15:27
Cô giáo vùng cao quyên góp sách vở, nuôi học trò nghèo-1

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên kể về hành trình "nuôi em" trên sân khấu chương trình "Thay lời tri ân". Ảnh: Bộ GDĐT

Nỗi lo học sinh thiếu ăn, thiếu mặc

Nơi cô Hà công tác nằm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em đến từ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé,… Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, mồ côi và đời sống còn nhiều thiếu thốn.

Cô Hà luôn cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến những ngày mùa đông, học sinh của mình không có đủ quần áo ấm để mặc. Với lòng yêu thương học trò hết mực, cô đã luôn cố gắng đối đãi với các em bằng tình thương của mình và để các em cảm thấy không cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống cũng như trên hành trình đến với cánh cửa tri thức.

“Tôi mong những đứa trẻ vùng cao đều có được cuộc sống đầy đủ, ăn no, mặc ấm và có điều kiện phát triển như những đứa trẻ khác nhưng có lẽ điều đó quá lớn” - cô Hà bộc bạch.

Cô giáo vùng cao quyên góp sách vở, nuôi học trò nghèo-2

Cô Nguyễn Thị Hà xúc động khi gặp học trò trong chương trình Thay lời tri ân. Ảnh: Bộ GDĐT

Lắng nghe, thấu hiểu và hành động

Với cô Hà, bên cạnh niềm vui đứng lớp dạy học mỗi ngày thì lúc nào cũng đau đáu nỗi lòng phải thay đổi nếu không tương lai của các em học sinh vùng cao sẽ không biết trôi dạt về đâu.

Là giáo viên, cô Hà không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người đồng hành, thấu hiểu, vượt khó cùng chính học sinh của mình. Bằng trái tim người dạy học, cô đã mở ra dự án “nuôi em” đặc biệt. Từ đó, cuốn nhật ký của cô ngày một dày thêm những “mảnh đời” khó khăn.

“Tôi được nhà trường phân công đi tuyển sinh ở các bản vùng sâu vùng xa như Điện Biên Đông, Mường Nhé,... Chứng kiến những mảnh đời vô cùng éo le, tôi trăn trở, nếu không có sự hỗ trợ thì tương lai của các em ấy sẽ rẽ sang ngã khác. Chính những điều đó đã thôi thúc tôi bắt đầu hành trình "nuôi em" hàng tháng” – cô Hà xúc động kể.

Trong nhà có quần áo, giầy dép, sách vở cũ cô đều mang cho các em. Dần dần, thông qua các mối quan hệ với bạn bè, người thân và đồng nghiệp, cô đã kêu gọi được thêm nhiều phần quà dành tặng các em học sinh vùng cao.

"Khi trao quà cho các em, tôi luôn cố gắng phải làm sao thật khéo léo để các em đón nhận món quà và không mặc cảm về hoàn cảnh của mình" - cô Hà chia sẻ.

Những quyển sách, chiếc áo tưởng chừng là đơn giản với những bạn nơi phố thị thì tại nơi miền núi xa xôi này những thứ đó đã giúp cô Hà thấu hiểu, gắn kết thế hệ học trò của mình, giúp các em có thêm động lực đến trường. Không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy con chữ, cô dạy các em biết yêu thương, sẻ chia và cảm thông.

Sau mỗi đợt hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, cô Hà lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Đây cũng chính là những động lực thôi thúc cô trên hành trình "nuôi em" hàng tháng.

Tối 18.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Chương trình Thay lời tri ân năm 2022 với chủ đề “Cây đời trăm năm”. Thông qua những hình ảnh, câu chuyện dạy học xúc động, đáng khâm phục về những thầy cô hết lòng về học trò thân yêu, chương trình như một lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo dịp 20.11. Điểm chung trong những câu chuyện được kể trong chương trình năm nay là mỗi thầy cô không chỉ dừng lại ở người truyền dạy kiến thức mà còn là người đồng hành, thấu hiểu trên mỗi hành trình của học trò.

Nối

Khác

Xem tiếp đi