Cấm nhà đầu tư đang vi phạm đầu tư dự án mới: Lành mạnh hóa thị trường BĐS

Lao Động 30/11/2022 18:15:38

Cấm là có căn cứ

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cho rằng việc UBND TP Hà Nội không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới là có căn cứ.

"Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định là Điều 7 Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ bị cấm kinh doanh khi không đạt được đủ tiêu chí về năng lực. Trong Nghị định 43 của Chính phủ năm 2014 có quy định doanh nghiệp phải có năng lực tài chính, không vi phạm pháp luật về đất đai (như chậm đưa đất vào sử dụng, không kết thúc dự án đúng tiền độ…). Hà Nội hoàn toàn có quyền làm điều đó.

Tuy nhiên Nghị định thì không nói thời gian bao lâu nên cũng phải bổ sung làm rõ. Ví dụ vi phạm cách đây nhiều năm nhưng đã khắc phục rồi thì không nên áp quy định đó vào. Còn nếu bị kết luận hiện nay đang vi phạm thì là đúng".

Cấm nhà đầu tư đang vi phạm đầu tư dự án mới: Lành mạnh hóa thị trường BĐS-1

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA. Đồ họa: Phan Anh

Cũng theo ông Châu, không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác hiện nay cũng đang thực hiện chính sách này. "TP.HCM cũng đang thực hiện chứ không riêng chỉ riêng Hà Nội. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đi thanh tra toàn quốc. Thật ra đây là loạt các giải pháp tổng thể để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả theo nguyên tắc của Luật Đất đai".

Chủ tịch HOREA cho rằng, cần phân tích trong dự án có nguyên nhân từ đâu và tùy theo nguyên nhân để giải quyết. "Tức là nếu vi phạm pháp luật về đất đai thì phải chịu chế tài của Nhà nước. Còn chuyện thu hồi dự án và giải quyết quyền sở hữu tài sản như thế nào thì luật hiện nay chưa quy định thỏa đáng. HOREA cũng đang đề nghị nên tôn trọng quyền sở hữu tài sản của họ.

Có dự án là do chủ đầu tư, có cái là do cơ chế chính sách như vướng vấn đề cổ phần hóa, có cái do thủ tục di dời nhà xưởng khu công nghiệp… Tức có dự án bị chậm triển khai rồi đắp chiếu trùm mền không phải lỗi do chủ đầu tư. Nhưng cũng có những dự án khu đô thị bỏ hoang mà báo chí đưa lên thì do chủ đầu tư. Còn nếu cái lỗi do Chính quyền thì Chính quyền phải sửa sai. Nhiều cán bộ công chức Nhà nước sợ rủi ro, sợ trách nhiệm pháp lý nên đã đùn đẩy hồ sơ không chịu giải quyết", ông Châu nói.

Góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Cấm nhà đầu tư đang vi phạm đầu tư dự án mới: Lành mạnh hóa thị trường BĐS-2

Luật sư Lê Xuân Cường (Công ty luật Trương Anh Tú) cho rằng chủ trương trên của Hà Nội có thể góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Phan Anh

Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Lê Xuân Cường nói: "Ở góc độ người công tác pháp luật và cả người dân, chủ trương nêu trên của Hà Nội rất đáng hoan nghênh. Bởi nó đã đi đúng vào vấn đề trước nay còn tồn tại, đó là nhiều chủ đầu tư khi xây hay kinh doanh các sản phẩm nhà ở đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người mua. Từ đó dẫn tới việc khiếu nại, khiếu kiện, gây mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư lành mạnh.

Do vậy, chủ trương này sẽ tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong thị trường bất động sản đã tồn tại lâu nay.

Đánh giá về tính khả thi thì phải có thời gian đưa vào thực tiễn để kiểm nghiệm. Tuy nhiên tôi tin rằng chủ trương này sẽ có khả năng thành công rất lớn, từ đó góp phần làm lành mạnh hoá thị trường bất động sản. Chúng ta sẽ thanh lọc được những chủ đầu tư làm ăn thiếu nghiêm túc, chộp giật ra khỏi thị trường, giúp cho những nhà đầu tư làm ăn một cách nghiêm túc tiếp tục tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng như thế là rất phù hợp.

Tôi cho rằng nếu chủ trương này đi vào thực tế phát huy hiệu quả thì nên nhân rộng ra các địa phương khác. Vì khi mà một chủ trương đã phát huy hiệu quả thì không có cớ gì mà chúng ta lại không nhân rộng", Luật sư Lê Xuân Cường nói.

Nối

Khác

Xem tiếp đi