Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ

Zingnews 30/11/2022 18:34:43

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi với quy mô lớn và tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, với tác động được thấy rõ trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội: Quản lý đô thị, quản trị doanh nghiệp, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng…

Đô thị thông minh với IoT

IoT (Internet kết nối vạn vật) đề cập đến mạng lưới tập hợp các thiết bị thông minh và công nghệ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp giữa thiết bị với điện toán đám mây, cũng như giữa các thiết bị với nhau.

CMCN 4.0 với sự phát triển của IoT là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xây dựng “đô thị thông minh”. Theo đó, cơ sở hạ tầng của thành phố được kết nối bằng mạng thông tin thống nhất. Sự tích hợp tất cả dữ liệu của đô thị hứa hẹn giúp công tác quản lý thành phố hiệu quả, tiết kiệm chi phí và bền vững hơn cho tất cả cư dân, doanh nghiệp.

Cùng với những ứng dụng của IoT trong việc phát triển đô thị, Hà Nội đã có lộ trình hướng đến “thành phố xanh - thông minh - hiện đại” vào năm 2030. Đồng thời, TP.HCM cũng thực hiện “Đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020”, chuyển đổi số dịch vụ công, kho dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành đô thị và các cơ chế dự báo kinh tế - xã hội. Song song đó, Đà Nẵng đang rục rịch cho đề án nghiên cứu phát triển đô thị thông minh riêng.

Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng ERP

Doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong 3 năm đại dịch khi phần lớn người dân đã quen với khái niệm work from home (làm việc tại nhà). Các giải pháp điện toán đám mây, tự động hóa… giúp các doanh nghiệp tái tổ chức hoạt động để trở nên tốc độ và linh hoạt hơn, nhằm thích ứng với những thách thức lớn của kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, việc áp dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP đã trở thành xu hướng chung, bất chấp đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao và yêu cầu chuyển đổi cách thức vận hành. Thị trường ERP hiện nay có cả những tập đoàn quốc tế lớn và các công ty trong nước với nhiều sản phẩm phù hợp hơn cho khối SME. Đến nay, ERP phủ sóng tới hàng nghìn doanh nghiệp ở đa dạng lĩnh vực.

Ngành y đang kỳ vọng dữ liệu lớn và chuỗi khối (blockchain) sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Dữ liệu lớn giúp ngành này hiểu biết toàn diện và sâu sát hơn về các mô hình sức khỏe của cộng đồng. Chuỗi khối, với thông tin được lưu trữ ở dạng sổ cái phân tán, được kỳ vọng giúp việc chia sẻ hồ sơ sức khỏe dễ dàng hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ-1

Ngành y đang hưởng lợi lớn từ CMCN 4.0.

Tương tự, ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng vào các công nghệ này để xây dựng mô hình tài chính cho chuỗi giá trị nông sản. Tất cả nhằm giúp doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp cận vốn sản xuất quy mô lớn, tối ưu các quy trình canh tác, giảm hóa chất sử dụng, nâng cao chất lượng nông sản và truy xuất nguồn gốc theo quy định của thị trường thế giới.

Ngân hàng đưa dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa

Ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ để cung cấp trải nghiệm hiện đại, hiệu quả và toàn diện đến người dùng cả nước, kể cả những vùng nông thôn và miền núi xa xôi.

Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ-2

Thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành xu hướng ở Việt Nam.

Ngày nay, người dân ở mọi nơi có thể truy cập những ngân hàng điện tử tiện lợi như ứng dụng MBBank, ví điện tử Momo, ZaloPay, đầu tư qua các ứng dụng như Wealth Management (MB), đóng góp các hành động nhân đạo qua ứng dụng Thiện Nguyện và một số ví điện tử khác, nhằm tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin kết nối giữa những người muốn làm từ thiện tới các địa chỉ khó khăn.

Những nhà băng lớn như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đang khai thác hiệu quả các công nghệ của CMCN 4.0 như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI… để nâng cao trải nghiệm người dùng, hướng tới trở thành ngân hàng thuận tiện nhất Việt Nam.

Sự thuận tiện ngân hàng này hướng đến được đầu tư bằng một chiến lược chuyển đổi số triệt để, chú trọng đào tạo nhân sự để vận hành như một doanh nghiệp số và phát triển công nghệ lõi nội bộ. Bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng, MB cung cấp công nghệ phù hợp thông qua khai thác sức mạnh của điện toán đám mây, dữ liệu lớn và thiết kế những tiện ích tháo lắp dễ dàng theo mô hình lego. Các nỗ lực trong chuyển đổi số đã giúp MB thu hút hơn 11 triệu khách hàng dùng nền tảng số tính đến năm 2022, đồng thời thuộc top đầu thị trường về mở rộng hệ sinh thái số.

Các công nghệ của CMCN 4.0 đã thâm nhập và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống người Việt, trên mọi quy mô và lĩnh vực. Bên cạnh sự thuận tiện, công nghệ còn giúp thổi ngọn lửa vào tinh thần đổi mới, sáng tạo của cộng đồng, nâng cao kỹ năng cho công dân số Việt Nam trong nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Nối

Khác

Xem tiếp đi