Bao phủ chính sách an sinh cho lao động phi chính thức

Lao Động 05/10/2022 20:20:50
Bao phủ chính sách an sinh cho lao động phi chính thức-1

Cần bao phủ chính sách an sinh cho lao động phi chính thức. Ảnh: Lương Hạnh

Lao động “nhiều không”

Không được tham gia bảo hiểm xã hội, không được tham gia bảo hiểm y tế, không hưởng được những phúc lợi xã hội và các dịch vụ hỗ trợ cho người lao động... là “đặc thù” của nhóm lao động phi chính thức. Sau dịch COVID-19, lực lượng lao động này cũng là đối tượng bị tác động nhiều nhất nhưng hưởng lợi từ gói an sinh xã hội thấp nhất. Thực tế này khiến đời sống của họ hết sức khó khăn.

Bà Ngô Thị Quế (quê huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lên Hà Nội mưu sinh đã gần 10 năm. Chồng mất sớm, một nách 3 con lại chỉ trông vào mấy sào ruộng, bà Quế theo sự hướng dẫn của một người cùng làng, lên Hà Nội. Ban đầu, bà xin làm rửa bát, dọn dẹp cho một quán ăn ở quận Hoàn Kiếm. Được gần 5 năm, sức khỏe không cho phép bà Quế phục vụ quán ăn đến nửa đêm nên bà xin nghỉ. Một hàng xóm ở khu trọ rủ và hướng dẫn bà theo nghề thu mua phế liệu, đồng nát. Gần 5 năm nay, ngày nào bà Quế cũng đạp xe đi khắp các ngõ ngách, khu tập thể để thu mua giấy báo, sắt vụn. Thu nhập ngày nắng bù ngày mưa, trừ tiền thuê trọ, ăn tiêu, bà có dăm bảy triệu phụ lo học cho con cái.

Theo bà Quế, những người lao động tự do như bà sợ nhất ốm đau nên hầu như không bao giờ đi khám sức khỏe. Có đau đầu, sổ mũi hay cảm sốt đều tự mua thuốc về uống. Khi được hỏi về việc tham gia BHXH tự nguyện, bà Quế lắc đầu quầy quậy: “Tiền ăn còn không đủ, lấy đâu tiền đóng tham gia bảo hiểm. Tôi cũng muốn lắm, mong có chút chế độ khi ốm đau, nhưng việc này vượt quá khả năng...”.

Anh Vũ Ngọc Minh từng tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề ở Ninh Bình, nhưng không xin được việc làm nên lên Hà Nội ở trọ cùng anh họ làm nghề lái xe ôm công nghệ. “Vào nghề” được gần 1 năm nay, anh Minh cho hay thu nhập hiện tại giúp anh đủ sống, có thêm chút tích lũy để làm vốn. “Tôi bị bệnh cột sống nên không thể theo công việc này lâu dài. Tiền kiếm được tôi chi tiêu tằn tiện để tích lũy, mục tiêu làm vài năm nữa sẽ về quê buôn bán”, anh Minh nói.

Do bị bệnh, tiền thuốc mỗi tháng tốn gần 1 triệu đồng nhưng không tham gia BHXH nên anh Minh tự chi phí 100%. Thậm chí, đơn thuốc anh đang dùng đã được bác sĩ kê gần 4 năm. “Tôi không dám đi khám lại để lấy đơn mới vì biết mỗi lần khám lại tốn cả triệu đồng”, anh Minh buồn bã nói.

Còn khoảng trống cần bao phủ

Chiều 29.9 vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội có phiên họp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021... Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là mở rộng, bao phủ BHXH, phát triển lực lượng mới một cách bền vững.

Về lĩnh vực BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, ngành BHXH còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, trong đó, vấn đề quan trọng nhất là mở rộng, bao phủ BHXH, phát triển lực lượng mới một cách bền vững.

Theo ông Dung, lực lượng phát triển bảo hiểm tự nguyện phải hướng đến khu vực lao động phi chính thức. Để làm được việc đó, cần tích cực tuyên truyền chính sách; có chính sách phát triển và có lực lượng tổ chức phát triển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho hay, ngoài những thành tựu đã đạt được, lĩnh vực BHXH vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Nguồn kinh phí tuyên truyền chính sách về BHXH chưa được bố trí hợp lý giữa các vùng miền. Nhà nước cần sớm quy định về giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ quỹ BHTN cho người lao động. Bên cạnh đó, một số chính sách chưa phù hợp, công tác thanh, kiểm tra của ngành lao động còn rất ít.

Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người, tăng hơn 325.000 người so với năm 2020, tương đương với mức tăng 28,92%. Đáng chú ý, số tham gia chỉ chiếm 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nối

Khác

Xem tiếp đi