An Giang giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước

VietnamPlus 07/10/2022 13:37:02
An Giang giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước-1

Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: angiang.gov.vn)

Trong 9 tháng năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của An Giang đang nằm trong nhóm thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đưa ra tại "Hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022," do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 6/10.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, năm 2022, kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 5.267 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách Trung ương trên 1.768 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương trên 3.499 tỷ đồng. An Giang có tổng cộng 41 chủ đầu tư có sử dụng các kế hoạch đầu tư công năm 2022, bao gồm kế hoạch đầu tư công năm 2021 được kéo dài sang năm 2022.

Tính đến hết tháng 9 năm 2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của An Giang được gần 2.457 tỷ đồng, chỉ đạt 37,58% tổng kế hoạch vốn. Có 19 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (37,58%), gồm 11 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 50%, gồm văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Ban dân tộc tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Tòa án tỉnh, Sở Tài chính và 3 huyện Tịnh Biên, Châu Phú, Thoại Sơn.

Có 22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh, gồm 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 3 huyện, thành phố là Châu Đốc, An Phú, Phú Tân.

Trong 22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, có 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 20% gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp; Ban quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Công ty cổ phần điện nước An Giang, Công ty phà An Giang, Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm công nghệ sinh học.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp do một số dự án chưa đẩy nhanh tiến độ thi công. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu còn chậm trễ so với thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Theo ông Tâm, một số chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm rà soát, nội dung của hồ sơ mời thầu, đặc biệt là các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu do đơn vị tư vấn lập, chưa phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu. Mặc dù có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng hồ sơ dự thầu không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời thầu không tuân thủ theo pháp luật về đấu thầu, các nhà thầu kiến nghị dẫn đến việc hủy thầu, mất nhiều thời gian tổ chức lại, làm chậm tiến độ thực hiện của dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cũng cho rằng giá nguyên, nhiên liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao cũng ảnh hưởng đến phương án tài chính của các nhà thầu thi công; khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2022, số kế hoạch vốn còn lại có khối lượng giải ngân lớn khoản 62,42%. Như vậy mỗi tháng An Giang có khối lượng để giải ngân trên 1.360 tỷ đồng tương đương 20,81%. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn của tỉnh An Giang với mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương.

[Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công]

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực hết sức, chạy nước rút để có khối lượng thực hiện và giải ngân hằng tuần, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án như đã cam kết.

Thời gian còn lại của năm 2022, các đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án theo như biên bản đã cam kết, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cũng là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch vốn được giao và phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2022.

An Giang giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước-2

Các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh

tiến độ thi công

Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên. (Ảnh: angiang.gov.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương 19 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu 22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải nhân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, 9 tháng qua Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị và thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát để tìm nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắt kịp thời cho các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đến thời điểm này giải ngân vốn đầu tư công của An Giang đang nằm trong nhóm thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; trong đó, có nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu tăng gây khó khăn cho nhà thầu đẩy nhanh các dự án; nhiều dự án vướng thủ tục gây khó cho giải ngân…Vì vậy, để đẩy nhanh giải ngân trong những tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương xây dựng các giải pháp để khắc phục. Các địa phương và đơn vị liên quan ngồi lại để bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong việc giải ngân vốn.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chỉ còn 3,5 tháng kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trong khi tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt tỷ lệ quá thấp. Để tỷ lệ giải ngân đạt 100% các sở, ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và xây dựng các giải pháp và họp đánh giá các nguyên nhân để xây dựng kịch bản từng tháng để tỷ lệ giải ngân đạt đúng kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư thực hiện nghiêm, quyết liệt các văn bản của trung ương về các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để xây dựng các giải pháp thực hiện giải ngân một cách hiệu quả; các sở, ngành, địa phương đôn đốc nhắc nhỡ thực hiện từng dự án, báo cáo tiến độ và thường xuyên tổ chức họp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và kịp thời thay đổi các cán bộ, viên chức yếu kém làm chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Nối

Khác

Xem tiếp đi