24 thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào được ký kết

Hà Nội Mới 30/09/2022 17:25:38

(HNMO) - Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cùng chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), ngày 29-9, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Đại học Quốc gia Lào tổ chức “Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào”.

24 thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào được ký kết-1

Ký kết hợp tác về giáo dục giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Ở những thời điểm khác nhau, Chính phủ hai nước đều có những chiến lược cụ thể về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. “Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào” là cơ hội để các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và Lào chia sẻ những thành tựu đã đạt được, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học của hai nước.

Đánh giá diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong chia sẻ: Đây là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, các đơn vị giáo dục Lào - Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, tìm hiểu cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2011-2021, Việt Nam tiếp nhận gần 30.000 lưu học sinh Lào các diện hiệp định và ngoài hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trong giai đoạn 2022-2030, ông Nguyễn Hải Thanh nhấn mạnh việc tăng cường quản lý chặt chẽ công tác tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh Lào ở cả 3 nội dung: Tiếp nhận vào học, đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành.

Là một trong những cơ sở giáo dục tham gia đào tạo số lượng khá lớn lưu học sinh Lào, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như tăng cường đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh; bố trí lưu học sinh làm việc nhóm chung với sinh viên bản địa; cử giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên lựa chọn môn học, giải đáp thắc mắc, giúp các em có lộ trình học tập phù hợp; tổ chức các lớp học riêng cho lưu học sinh…

Chính sách học bổng dành cho lưu học sinh Lào cũng là nội dung được nhiều trường đại học Việt Nam trao đổi tại diễn đàn. Theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị dành hơn 100 suất học bổng cho lưu học sinh Lào hằng năm. Còn Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ về các cơ hội của lưu học sinh Lào khi học tập tại trường như được cấp học bổng toàn phần; cơ hội thực tập, tham gia hỗ trợ các dự án nghiên cứu, nâng cao năng lực; cơ hội trao đổi tại các trường quốc tế trong mạng lưới đối tác mà Phenikaa là thành viên…

Tại diễn đàn, đã có 24 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trường dự bị đại học… của hai nước Việt Nam – Lào.

Nối

Khác

Xem tiếp đi