Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đưa vào cuộc sống

Lao Động 30/11/2022 13:01:54
Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đưa vào cuộc sống-1

PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: Thảo Quyên

Cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp

Tại Hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra ngày 29.11, ông Hồ Bá Thâm - Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP Hồ Chí Minh cho biết, muốn các giá trị con người Việt Nam đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh.

Chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của mọi người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn.

Ngoài 8 giá trị cốt lõi được cụ thể thành những chuẩn mực chung, chúng ta có thể cụ thể hóa nhiều giá trị khác cho thích hợp với từng loại người từng gia tầng xã hội từng thời kỳ khi  vận dụng. Và cần có nhiều cách, nhiều giải pháp để thực hiện các giá trị - chuẩn mực này.

Ông Hồ Bá Thâm cho rằng, giá trị của con người là những phẩm chất, năng lực, kỹ năng hành vi, yêu cầu quan trọng trong quá trình sống và hoạt động lắp đi lắp lại một cách phổ biên trong một thời kỳ lịch sử nhất định của con người được định hình hay sẽ định hình.

Cho nên sẽ có rất nhiều giá trị - chuẩn mực cụ thể. Chẳng hạn, con người lương y trong bệnh viện thì với y bác sĩ, điều dưỡng: “Lương y như từ mẫu”, “Bệnh nhân như người thân, lương y ân cần, trách nhiệm…”

Còn theo PGS.TSKH Lương Đình Hải - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong đời sống con người có nhiều loại phẩm chất, yếu tố, đặc tính, quan hệ xã hội khác nhau, từ quan hệ trong gia đình đến quan hệ ngoài xã hội, từ quan hệ với quá khứ đến quan hệ với hiện tại và tương lai,... Chính vì thế, hệ giá trị con người có nhiều giá trị cụ thể với nhiều nội dung khác nhau, có trật tự, thứ bậc khác nhau.

GS.TSKH. Lương Đình Hải cho rằng, mỗi giá trị trong hệ giá trị con người, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lại là một biến số. Có giá trị vĩnh hằng, dù vị trí trong thang bậc cũng không thể cố định, lại có giá trị chỉ là giá trị trong một giai đoạn lịch sử nào đó của con người.

Sự thay đổi, khác biệt về vị trí, thang bậc trong hệ giá trị con người càng khiến cho việc xác định, xây dựng, phát huy và phát triển nó càng không dễ dàng.

Nhiệm vụ không thể tách rời

"Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia.

Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh, nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao", GS.TSKH Lương Đình Hải nhấn mạnh.

Còn theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, trong việc xác định chuẩn mực con người Việt Nam, vấn đề đầu tiên là phải phân loại: chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực về lĩnh vực nào, về mặt nào của đời sống con người, hay về các nhóm người nào thuộc cộng đồng các dân tộc, các tầng lớp cư dân Việt Nam.

GS.TS Hồ Sĩ Quý cho rằng, chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực của các cư dân trong toàn xã hội Việt Nam, gồm tất cả các nhóm xã hội, các tầng lớp dân cư, các công dân gốc Việt.

Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đưa vào cuộc sống-2

Phiên thảo luận về hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ảnh: Thảo Quyên

Theo lý thuyết về chuẩn mực thì chuẩn mực xã hội chỉ thực sự là chuẩn mực khi áp dụng đối với các nhóm nhỏ. Còn đối với các nhóm lớn, đặc biệt đối với toàn xã hội, chuẩn mực xã hội không thể vẫn là các thiết chế có tính chất quy tắc, quy phạm, quy ước, hay các chế tài có ý nghĩa cấm kỵ hoặc trừng phạt. Ở những phạm vi này, chuẩn mực xã hội dần nhường chỗ cho luật pháp.

"Như vậy, chuẩn mực con người Việt Nam nếu được xây dựng một cách hợp lý thì cũng mới chỉ là những nguyên tắc kỳ vọng có tính chất lý tưởng, chủ yếu về phương diện đạo đức hay nhân sinh quan.

Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ, nếu chỉ mang tính quy ước, chỉ là những nguyên tắc lý tưởng, giống như những lời khuyên về phương diện đạo đức, thì tính chuẩn mực của các chuẩn mực xã hội đối với con người sẽ có ý nghĩa như thế nào", GS.TS Hồ Sĩ Quý bày tỏ.

Nối

Khác

Xem tiếp đi