Tạo hành lang pháp lý cho ngành Xuất bản phát triển

Lao Động 27/11/2022 16:28:38
Tạo hành lang pháp lý cho ngành Xuất bản phát triển-1

Một góc Đường sách tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Chân

Tạo sự tác động mạnh mẽ

Tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành luật Xuất bản năm 2012 diễn ra vào ngày 25.11, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 400 cơ sở phát hành xuất bản phẩm của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành, các nhà xuất bản, một số doanh nghiệp phát hành sách của các địa phương khác.

Thực hiện quy định của Luật Xuất bản, số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục tăng trong những năm gần đây và có xu hướng đa dạng hóa hình thức hoạt động.

Còn tại TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy cho hay, qua 10 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Nhà xuất bản trực thuộc. Thành ủy luôn quan tâm thực hiện các nội dung được quy định tại Điều 16 của Luật Xuất bản về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

Theo ông Lê Hồng Sơn, hiện nay, Nhà xuất bản thuộc Thành ủy được tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn vốn, trang thiết bị, nhân lực quản lý, đảm bảo các điều kiện hoạt động theo Điều 13 của Luật Xuất bản để phát huy thế mạnh, phát triển đơn vị. Tăng cường công tác định hướng Nhà xuất bản hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; xây dựng kế hoạch, đề tài để có nguồn sách phong phú, đa dạng.

Sau khi Luật Xuất bản 2004 và 2012 được ban hành, TP.Đà Nẵng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng, qua mỗi đợt kiểm tra, Sở đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy 12 ấn phẩm xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật về xuất bản.

Thẳng thắn nhìn vào hạn chế

Theo ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, trong Luật Xuất bản 2012 có quy định một số chế độ, chính sách ưu đãi đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách ưu đãi đó không được thực thi do không đồng bộ với các bộ luật khác của Nhà nước. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Dòng, cần xây dựng Luật Xuất bản cần có sự đồng bộ với các bộ luật khác, đặc biệt là vấn đề ưu đãi, thuế, tiền thuê đất...

Ông Nguyễn Văn Dòng cũng cho biết thêm, việc tổng hợp các số liệu báo cáo của toàn ngành in lâu nay gặp rất nhiều khó khăn do số lượng các nhà in rất lớn, lại tập trung phần lớn ở lĩnh vực in bao bì, nhãn hàng.

Báo cáo về ngành bao bì gần đây thì số lượng các nhà in bao bì của Việt Nam là  gần 5000, doanh số năm 2021 là 13,2 tỉ USD. Nhưng số liệu tổng hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành thì thấp hơn con số này rất nhiều, chủ yếu là của khối in Xuất bản phẩm.

Còn Đại diện Công ty Cổ phần Văn hoá Phương Nam cho hay, bên cạnh những thuận lợi, trong 10 năm qua, đơn vị này cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, bắt buộc công ty phải nhập bằng đường biển, thời gian nhập hàng lâu. Thay vì từ 2,5-3 tháng kể từ khi đặt hàng sách sẽ có mặt tại các nhà sách thì nay phải mất từ 5 -7 tháng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu xuất bản vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Dù Điều 7 của Luật Xuất bản năm 2012 đã quy định về chính sách hỗ trợ cho hoạt động phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa được triển khai do chưa có các quy định cụ thể. Vì vậy, việc xuất khẩu sách gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thâm nhập thị trường.

Đại diện NXB Trẻ bày tỏ ý kiến, khoản 2, Điều 7, Luật xuất bản năm 2012 quy định: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản (điểm a); đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu (điểm b). Tuy nhiên trong một thời gian dài, ít nhất là từ khi ban hành luật tới nay, các nhà xuất bản nhận được rất ít sự hỗ trợ từ nhà nước, từ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đến ứng dụng công nghệ.

Đại diện NXB Trẻ cho biết thêm, Điểm d, Khoản 2, Điều 7, Luật xuất bản năm 2012 quy định: “Ưu đãi lãi suất vay vốn theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên hiện nay, các nhà xuất bản chưa nhận được ưu đãi gì về lãi suất vay vốn, khoản vay phải có tài sản thế chấp, mà đơn vị nhà nước thì không có tài sản thế chấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, để đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo, định hướng của Trung ương về công tác xuất bản, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cũng như những thay đổi về chính sách, pháp luật có liên quan và những biến động của thực tiễn diễn ra trong 10 năm qua thì việc xem xét, đánh giá, tổng kết và nghiên cứu, đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành là nhiệm vụ đặt ra hết sức quan trọng và cần thiết.

Báo cáo từ Cục Xuất bản cho biết, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 10.2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm. Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỉ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so với năm 2012.

Nối

Khác

Xem tiếp đi