Tầm nhìn lớn từ Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

VTV 30/11/2022 14:31:11

Hôm nay (29/11), Hội thảo quốc gia hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức tại 3 điểm cầu Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Xác định hệ giá trị Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách đặt ra, bởi hệ giá trị là cốt lõi, tinh túy nhất của cả nền văn hóa, có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt suy nghĩ, tình cảm, ý chí của mỗi người, cũng như cả dân tộc. Hội thảo quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên toàn quốc.

Bốn hệ giá trị có mối quan hệ chặt chẽ, qua lại với nhau, trong đó chuẩn mực con người được xem là gốc, nền tảng, gia đình và môi trường không thể thiếu để xây dựng nên chuẩn mực này. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút những chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm các yếu tố ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - chia sẻ: "Hội thảo lần này làm rõ hơn những định hướng đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau Hội thảo, ngoài kỷ yếu của hội thảo, chúng tôi sẽ biên tập để trở thành cuốn sách các cấp ủy, các địa phương đơn vị phải thẩm thấu, cụ thể hóa hơn nữa để làm sao phân tích, làm rõ nội hàm, giá trị".

Trong phiên thảo luận thứ 2, các chuyên gia sẽ bàn về hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Mặc dù các nội hàm đã được bàn bạc từ lâu nhưng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII mới chính thức đưa ra khái niệm này. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết 9 giá trị quốc gia trong thời kỳ mới, còn với văn hóa, bên cạnh giá trị truyền thống thì được bổ sung các giá trị thời đại cơ bản.

Hiện nay, các nhà khoa học cơ bản thống nhất cách tiếp cận giá trị không chỉ là những tinh hoa tốt đẹp đã hình thành trong lịch sử của dân tộc mà còn là những mong ước, kỳ vọng cần hướng tới cho tương lai. Giá trị cũng là những điều rất vô hình nên việc xác định cho đúng, cho trúng không đơn giản. Việt Nam đã có những bước đi thận trọng trong nhiều năm và đây là thời điểm chín để có thể đi tới những kết luận thống nhất.

"Chúng ta cần có một sự kiện như Hội thảo lần này để từ đó thống nhất về nhận thức, về hành động, về quyết tâm và từ đó có hệ giá trị cụ thể để điều tiết hành vi của con người. Từ đó, tạo ra sức mạnh cho từng người, từng gia đình cho nền văn hóa và cả đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Giáo dục của Quốc hội cho biết.

GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi muốn được khẳng định các chuẩn mực rõ ràng của từng loại hệ giá trị để biết mà thực hiện, phải hiểu thấu về lý do tại sao cần xây dựng hệ giá trị đó và hệ giá trị ấy cụ thể như thế nào, các hệ giá trị này sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho quốc gia, con người, gia đình Việt Nam trong thời gian tới".

Nhiều trăn trở và kỳ vọng đã được chia sẻ tại Hội thảo. Có khoảng 120 tham luận đã được gửi về Hội thảo. Hội thảo nào có sự phối hợp của 4 cơ quan quản lý và học thuật lớn nhất trong lĩnh vực văn hóa là Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là điều hiếm thấy. Tầm nhìn mở ra cho sự kiện này là rất lớn. Bởi thực tiễn cho thấy, các quốc gia phát triển đã biến hệ giá trị của họ thành nguồn lực vô cùng mạnh mẽ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Nối

Khác

Xem tiếp đi