Phép màu từ những người thầy

Hà Nội Mới 20/11/2022 13:54:48

(HNMCT) - Trong quá trình trưởng thành của trẻ em, ngoài gia đình thì thầy cô và bạn bè có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới sự hình thành và phát triển nhân cách. Không ít người thầy đã là phép màu, là ánh sáng bất ngờ soi rọi cuộc đời học trò của mình, giúp học trò ấy thay đổi số phận.

Phép màu từ những người thầy-1

Những cuốn sách có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều thế hệ học trò Việt Nam.

Trong chương trình học phổ thông, biết bao thế hệ học sinh Việt Nam từng xúc động trước những tác phẩm văn học nổi tiếng viết về người thầy được giới thiệu trong sách giáo khoa như “Những tấm lòng cao cả”, “Buổi học cuối cùng”, “Người thầy đầu tiên”... Những người thầy với tấm lòng bao dung và tình yêu thương, không chỉ dạy cho các học trò biết viết chữ, giải toán, mà quan trọng hơn là rèn nhân cách để các em biết làm người. Làm người biết chia sẻ, biết tri ân, sống có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và Tổ quốc.

Không nằm trong hệ thống bài giảng nhưng nhiều tác phẩm khác viết về người thầy đã trở thành những cuốn sách “best seller” gây xúc động mạnh mẽ. Đặc biệt, hầu hết các tác phẩm này đều là những cuốn tự truyện, nhật ký, hồi ức hoặc dựa trên câu chuyện có thực, như “Câu chuyện đời tôi”, “Chiến binh cầu vồng”, “Người gieo hy vọng”, “Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ”, "Những ngày thứ Ba với thầy Morrie", “Trên bục giảng”, “Người thầy”...

Đến từ những đất nước khác nhau, gặp những hoàn cảnh học sinh khác nhau, điều kiện dạy và học khác nhau, điểm chung duy nhất của những người thầy trong những cuốn sách ấy là tình yêu thương học trò, thấu hiểu hoàn cảnh từng học sinh để rồi từ đó giúp các em lấy lại niềm tin vào bản thân, tin rằng mình hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội.

“Câu chuyện đời tôi” là cuốn tự truyện đặc biệt của Helen Keller. Cuộc đời của Helen đã thay đổi kể từ khi gặp được cô giáo Anne Sullivan, người đã kiên nhẫn từng phút từng giờ để tạo nên kỳ tích - cô học trò nhỏ từ người khiếm thị, khiếm thính sau này trở thành cử nhân Havard, thành nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới.

Trong cuốn sách “Quý cô nóng nảy” ghi lại “hành trình khai mở tâm trí Helen Keller” của cô giáo Anne Sullivan, tác giả Sarah Miller đã viết: “Với thế giới, Helen Keller sẽ luôn là một phép màu. Nhưng với Helen, cô giáo Anne Sullivan là cả thế giới”. Chính những giáo viên như Anne Sullivan mới thực sự là một phép màu cho cuộc đời tưởng như bế tắc, không lối thoát của cô trò nhỏ.

Trong những cuốn truyện ký của mình, Nhà giáo Ưu tú, nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký kể rất nhiều về “phép màu” từ những người thầy của ông: “Tôi bất hạnh vì bị liệt đôi tay. Song cũng thật hạnh phúc khi luôn gặp được những người như thầy Châu của tôi. Nếu không có sự may mắn đó không biết rồi đời tôi sẽ trôi về đâu?”. Thầy Châu của Nguyễn Ngọc Ký bao giờ cũng nghĩ về trò trước khi nghĩ về mình. Thậm chí, thương bố mẹ của học trò Ký già yếu, cũng là để học trò yên tâm đi học xa nhà, “thầy đã thường xuyên qua lại thăm nom như một người thân thiết”.

Soi ngọn đuốc sáng cho cả một tập thể học sinh là những người thầy trong “Chiến binh Cầu vồng”, “Viết lên hy vọng”, “Escalante - người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ”. Đều đối mặt với những lớp toàn học sinh cá biệt và trường có nguy cơ đóng cửa, nhưng những giáo viên ấy đã không nản lòng. Họ nỗ lực, kiên trì đưa các em thoát ra khỏi lầm lỗi, sự tự ti để đi đến bến bờ của thành công và hạnh phúc.

Tác giả Andrea Hirata đã tỏ bày trong cuốn sách “Chiến binh Cầu vồng”: “Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một điều gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước”. Tại Indonesia, “Chiến binh Cầu vồng” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, nhạc kịch. Thậm chí, sự thành công của cuốn sách và bộ phim đã từng kéo lượng du khách đến với làng Belitong tăng đột biến.

Dù là một trong những đất nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới, nhưng những câu chuyện về dạy và học ở nước Mỹ cũng có rất nhiều yếu tố bất ngờ. Cuốn sách “Viết lên hy vọng” tập hợp nhật ký của cô giáo Erin Gruwell và học trò của cô - “Những nhà văn tự do” - đã từng làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ những năm cuối thế kỷ XX với những trang viết về cuộc sống bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bệnh tật và bị lạm dụng mà các em đã và đang phải chịu đựng.

Tương tự là câu chuyện về thầy Escalante đã đưa những học trò nổi tiếng ngỗ ngược, bất cần bước vào các trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ đã được tác giả Jay Mathews kể lại trong cuốn sách “Escalante - người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ”. Câu chuyện về thầy Escalante sau đó đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng “Đừng bao giờ nghĩ học trò mình ngu dốt”. Theo đạo diễn Edward James Olmos, “Escalante chính là kho báu quốc gia và cũng là bằng chứng cho thấy phép màu có thể xảy ra ở những nơi tưởng như không thể”.

Nối

Khác

Xem tiếp đi