Hành trang đất

Nông Nghiệp Việt Nam 01/02/2023 13:13:42

Năm 2022 có thể nói là một năm đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Tháng 5/2022 Ban chấp hành Trung ương Đảng mở Hội nghị Trung ương 5 để bàn bạc về đất đai rồi đầu tháng 11 lại ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất. Cũng đầu tháng 11/2022, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi). Trong năm 2022, Quốc Hội bàn thảo nhiều về việc hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023.

Hành trang đất-1

Đồng quê. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Trong các sự kiện này, đất đai được nhìn lại như sau: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và là nguồn lực to lớn của đất nước…”.

Và trong Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trăn trở về đất đai như sau: “Giàu lên nhờ đất, nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù, mất tình nghĩa gia đình, cha con, đồng chí cũng vì đất; có hơn 70% khiếu nại liên quan tới đất đai…”.

Thật ra, từ rất xa xưa đã có một tầm nhìn, một tư duy về đất đai thiết tha và cảm động. Đó là tinh thần đất! Đã đến lúc ta phải lục lọi tìm về quá khứ mà khơi dậy tinh thần này.

Khi ta mở mắt chào đời là bắt gặp đất, đất mênh mông, hằng hà, bội thực trong mắt khiến ta vô tâm rồi vô cảm cứ nghĩ trời đất là thế có gì ầm ĩ đâu. Mãi cho đến khi ta triển khai cuộc đời mình trong trời đất đến gần chót vót, đến lúc thời gian gội trắng mái đầu, bỗng một hôm ta giật mình, cảm thức về đất. Sáng cứ ngủ dậy bước xuống giường là ta chạm đất. Suốt ngày đó nếu không đi trên cầu hay ngồi máy bay và khi con người chưa thể sống dài lâu trên vũ trụ thì đôi chân của họ gắn liền trên đất, như mọc lên từ đất. Khi ta đặt chân xuống đất cũng là khi đất ướm bàn chân ta và dịu dàng nâng đỡ, ta bồi hồi chợt nghĩ, nếu không có đất thì sẽ ra sao nhỉ?

Cuộc đời thế giới, cuộc đời của từng cá thể chúng ta đều được thiết kế dựng lên từ đất. Trong tâm khảm của ta, kẻ chợ thì có một ngôi nhà, một khoảnh sân nhỏ, một con đường, một góc phố quen thuộc. Người quê thì sinh ra đã thấy cánh đồng sau làng mình bát ngát chạy tới đường viền chân trời. Ở đó mùa hạn thì đồng khô, cỏ cháy, ai đốt rơm rạ ngoài đồng mà chiều xuống khói đốt đồng lừng lửng, ráng chiều pha sắc lửa làm tím cả hồn ta.

Cũng như mọi người, tôi còn đó một cánh đồng tuổi nhỏ nó cứ rưng rức trái tim mỗi khi nắng hạ, mưa thu, trời trở gió. Đó là một mảnh đất tọa lạc tại ấp Bờ Sáng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Nó rộng khoảng 30 công, nằm trải dài theo bờ sông Bạc Liêu. Đất này do ông nội tôi từ Tiền Giang bồng bế vợ con, trốn chạy giặc Pháp về đây khai khẩn từ rừng hoang mà có và từ đó cho đến bây giờ gia đình tôi có bốn thế hệ cắm bàn chân nạm phèn trên đất ấy, để mà sinh kế.

Đó là vạc đồng với một thứ đất rất hỗn tạp gồm có hơn 10 công ruộng để trồng lúa, 5 công đất lá dừa nước mọc và số còn lại là rừng trâm bầu, một rặng bần, mắm ven sông. Ở đó khi đêm xuống đom đóm lập lòe, mở hội hoa đăng thắp sáng đôi bờ sông Bạc Liêu.

Cứ nhìn cảnh vật là biết đây là một thứ đất trái tính trái nết đối với người trồng lúa. Do nằm cách bờ sông Bạc Liêu nối từ cửa biển Mỹ Thanh rất gần, thời chiến tranh bom pháo đầy trời, pháo làm vỡ bờ vỡ đê, nước mặn tràn vào đồng ruộng. Thế là đất trở nên “ba chè”, mặn vào mùa khô và chuyển ngọt vào mùa mưa đến. Đất như thế nông dân xưa gọi là trái tính, trái nết, làm ra hạt lúa là “Trần ai khoai củ”.

Trong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên, bổi hổi những mùa lúa xưa cũ. Đó là cánh đồng cấy các loại giống Nàng thơm, Một bụi đỏ…, chân rạ rất cao. Đó là lúa mùa muộn, lúa trổ bông khi mùa gió chướng chớm về. Và khi Tết nhất gần kề gió bấc về se lạnh là lúa bắt đầu chín. Ngày xưa, nông dân thời nông nghiệp trâu cày hay có câu nói cửa miệng: “Lúa chín ngoài đồng vàng mơ, ở nhà trông mờ con mắt”.

Câu nói ấy là để chỉ cái đói kém của nông dân thời ấy thôi chứ ruộng đồng chín vàng mơ như bây giờ thì tôi ít gặp.

Do đất đai nhiễm phèn mặn lâu năm, năm nào mà gió bấc về sớm hơn thường niên là bông lúa không kết gạo được. Nông dân gọi là lúa chín háp. Khi ấy những bông lúa dựng đứng có màu trắng. Ta nhìn cứ liên tưởng đồng lúa dựng cờ tang một cách sầu thảm. Hồi đó làm lúa đạt 10 giạ một công là trúng, thường thì 5 - 7 giạ. Có năm không thể gặt được. Lúc đó ba tôi và mấy ông lão nông trong làng ngồi bó gối thở dài và nhìn ra cánh đồng bằng đôi mắt đỏ hoe, uất ức. Rồi tự hỏi trong nỗi lo âu không có lời giải: Làm sao ăn Tết, tiền đâu mà cho sắp nhỏ mấy bộ quần áo Tết? Rồi ra giêng lúa đâu ăn để chờ làm mùa năm tới. Những câu hỏi nghe rất đơn giản so với thời đại hôm nay nhưng ngày xưa nó là những nhát dao băm dầm cuộc đời nông dân.

Hành trang đất-2

Nông thôn Nam bộ. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Vào những ngày cận Tết của những vụ mùa như thế, má tôi cùng với chị hai Nhạc và sau này là hai đứa em gái của tôi, con Diệu, con Hiền cắp thúng ra đồng, hướng những đôi mắt đỏ hoe lục lọi, tìm kiếm trong đám cỏ năng, cỏ nước mặn những bông lúa chắc còn sót lại. Họ đi suốt ngày ngoài đồng, nắng gió cũng chỉ mót được mỗi người “lùm lùm” một thúng lúa. Thứ lúa ấy má tôi cho vào cối giã rồi lục đục đi nấu cơm chiều. Và khi mâm cơm dọn ra thì trời đã đỏ đèn. Đó là một mâm cơm có tô mắm đồng kho với mấy con cá sặc hủn hỉn và một rổ bông súng đồng.

Tôi đi làm đồng về sà vào mâm cơm gia đình mà ăn một cách ngấu nghiến, vô tư. Tôi nhớ những năm sau giải phóng, năm 1975 - 1978, Đồng bằng Sông Cửu Long bị lũ lụt thất bát mấy năm liền, người ở Vĩnh Long, Bến Tre chạy đói về tận Bạc Liêu nhiều lắm và cùng lúc đó Bạc Liêu mới xuất hiện cái đói. Ba má tôi trồng khoai lang, khoai mì trên rẫy, chặt thành miếng phơi khô, và cho vào nồi cơm nấu chung với gạo, gọi là độn. Ăn độn mấy ngày đầu thì khá ngon. Nhưng sau đó thì những công dân của một đất nước có thói quen ăn cơm bốn ngàn năm bắt đầu sợ khoai. Thế là bọn trẻ chúng tôi lựa cơm mà ăn. Má tôi có cái tật là vào mâm cơm khi nó đã gần tàn, khi cái đáy nồi chỉ còn trơ ra mấy lát khoai sắn. Bà ngồi ăn một cách vô hồn như là “ai ăn”, thỉnh thoảng bà nhìn các con của mình bằng một ánh mắt day dứt và có lỗi.

Tôi cũng có một cảm thức về hạt cơm của bữa cơm gia đinh mình thuở ấy. Đó là những hạt cơm ốm o, sứt đầu, mẻ trán chứ không phải tròn trịa mây mẩy như hạt cơm bây giờ. Ăn vào tôi không cảm nhận được vị ngọt béo của những hạt cơm ở những đồng lúa trúng mùa mà nó luôn có cái vị mằn mặn. Không biết vị mặn này là kết tinh từ sự nghèo kiệt dinh dưỡng của cánh đồng làng tôi, hay nó được hấp thụ từ mồ hôi nước mắt của đời nông dân thuở ấy. Cứ nghĩ như vậy là tôi rùng mình nhớ những giọt mồ hôi, nước mắt của ba má, anh em tôi tưới tắm trên đất này để làm ra những hạt cơm ốm o héo gầy. Đó là những hạt cơm ăn không ngon, nhưng nó đã chắt chiu nuôi dưỡng tôi đủ tay đủ chân, đủ hình đủ vóc. Có nghĩ được như vậy rồi thì muốn một lần nhìn sâu về mảnh đất nguồn cội, ta sẽ bắt gặp những điều lớn lao mà mình chưa thấu đạt.

Xin hãy cùng tôi làm một bài toán cuộc đời, nó đơn giản như phép cộng trừ. Ở những đất nước giàu có người ta nuôi con không nhọc nhằn gian lao và tốn nhiều mồ hôi, nước mắt như đất nước tôi, như cái làng ngày bé của tôi. Đó là kết quả của phép tính về công đức mà nếu không hiểu thì sẽ làm cho những đứa con quê day dứt không nguôi về gốc rễ của mình.

Cái làng ngày bé của tôi mà tôi muốn nói là vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, ăn cái Tết xong là lúa hết sạch, phải chạy vạy tìm phương cách khác để hàm răng có cái mà nhai. Và ông trời ngẫm ra ăn ở cũng công bằng. Nếu đất làng tôi nhiễm mặn khó trồng lúa thì vùng đất “ba chè” ấy lại là một sinh thái lợ, một môi trường lý tưởng để sinh ra nhiều loài tôm cá và rau cỏ. Tôm cá nước mặn, nước ngọt hay nước lợ gì cũng có, còn rau ăn được thì gồm rau đắng biển, rau bồng bồng, rau chốc… chúng mọc đầy đồng.

Thế là dân làng tôi túa ra đồng, ra sông rạch, kênh mương mà thả câu, giăng lưới… kiếm ăn. Thế mới thấy đất đai thật là nhân hậu cưu mang.

Hồi đó làng tôi không có chợ và cũng không có tiền để đi chợ, cứ mùa nào thức ấy. Đầu mùa sa mưa má tôi cắp rổ lên đồng hái rau bắt ốc, nghịch mùa thì bà xuống sông kéo tép non với con Diệu. Tép to thì ăn ngày đó, tép nhỏ thì má tôi ủ nước mắm…, thời gian còn lại má tôi cuốc đất trồng dưa leo, rau cải rồi chở ra chợ Bạc Liêu bán.

Ngoài việc làm ruộng, ba tôi cũng có nghề là xuống sông Bạc Liêu chất chà hoặc dùng đăng tre bao ví ở các nhánh rạch đôi bờ sông mà bắt cá. Lúc thất ngặt quá thì ông đi gặt thuê, đập lúa mướn.

Anh em chúng tôi từ sự cực nhọc của cha mẹ và sự hào phóng của đất này rồi cũng “èo ọt” lớn lên. Từ ngày chị hai Nhạc của tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, ba ông anh tôi lần lượt đi thoát ly kháng chiến thì mọi việc đổ lên đầu ba má tôi. Văn học bình dân có một hình tượng cứ đọng mãi trong lòng chúng ta: “Con cò lặn lội đồng sâu, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Giờ nhìn lại tôi thấy hoạt động kiếm ăn nuôi nấng gia đình của má tôi và những người phụ nữ thân thiết của đời tôi cứ giống y như thân cò đồng sâu lặn lội.

Nhớ năm 1984 khi làm phóng viên Báo Minh Hải , tôi được cử đi học nghiệp vụ phóng viên ở Vũng Tàu. Tôi về nhà chuẩn bị, má tôi lôi ba lô ra giặt giũ rồi xếp quần áo lại cho gọn gẽ và bà cho thêm vào đó một cái khăn rằn, một chiếc quần cụt còn thơm mùi vải. Lại nhớ năm tôi 16 tuổi đi học trường công nông, đây là lần thoát ly gia đình mà theo cách gọi hồi đó là đi làm cách mạng. Má tôi chèo xuồng đưa tôi ra chợ Bạc Liêu và hành trang mà bà gửi cho tôi cũng lại là một chiếc khăn rằn, cái quần cụt và hai bộ đồ cũ, cùng với một ít tiền lẻ, nhuốm đầy mồ hôi.

Một chiếc khăn, một cái quần, một ít tiền lẻ so với bây giờ thì không có gì để nói. Nhưng hồi đó ba tôi phải đổi nó bằng những vác đăng cá ba giờ khuya trong những đêm mùa đông lạnh như cắt, còn má tôi phải đổi hàng tháng trời đội nắng đi mót lúa ngoài đồng khơi.

Tối đêm đó má tôi nằm võng gần chỗ tôi ngủ, bà sụt sịt khóc, tôi hỏi: “Má khóc gì?”. Bà bảo: “Mày lớn tòng ngòng chưa lo được vợ con cho mày”. Tôi cười thầm trong bụng: “Tưởng chuyện gì”,  rồi vô tư đánh một giấc đến sáng. Tôi nào có hay rằng đó là lúc má tôi cảm được mình sắp về với đất.

Ngày má tôi mất, trong vô thức, tôi ngồi cạnh má mà bóp chân, bóp tay cho bà. Đến lúc đó tôi mới thật sự ngắm nhìn kỹ lưỡng đôi bàn chân, bàn tay của má tôi. Đó là một đôi bàn chân to bè, những ngón chân xòe ra khác thường như nó được thích nghi với những bước chân nặng nhọc của một đời mua gánh bán bưng. Gót chân thì chai cứng xù xì, lở lói. Hai ngón cái đôi bàn chân của má tôi không có móng, vì ngâm trong bùn đất quá nhiều, còn đôi bàn tay của bà thì gồ ghề, thô kệch, xương xẩu. Lòng bàn tay đầy những nút chai sần, mu bàn tay thì rất nhiều đường gân xanh, móng tay cũng có cái còn, cái mất. Đôi tay này, đôi chân này đây đích thị là của một người đàn bà ở giai tầng sát đáy xã hội. Nhưng đôi chân ấy đã đứng lên giữa trời trước đạn bom bão tố và đôi tay xương xẩu ấy đã che trời, ngăn giông bão nuôi nấng những đứa con mình lớn lên đủ sức bay ra bầu trời cao rộng. Khi đất nước điêu linh má tôi đã biết đưa những đứa con mình ra đi cứu nước, có đứa mãi mãi không về.

Tôi nắm đôi tay lạnh giá của má mà ngậm ngùi nhớ chuyện ngày xưa. Hồi bé tôi đi học đám con nhà giàu không chơi với tôi vì nhà tôi nghèo, lớn lên đi coi vợ người ta không gả con gái cho tôi vì tôi có một bà mẹ quá bần hàn lam lũ, mua gánh bán bưng. Hồi đó tôi than thân, trách phận hèn của má tôi và bây giờ tôi mới nhận ra đôi tay má vĩ đại đến dường nào!

Từ ngày má tôi mất, tôi về quê thường hơn. Tôi về vì nhớ bà, về vì ngày càng lớn tôi thấy mình bỗng thiết tha với cánh đồng sau hậu đất. Chiều buồn tôi ra mộ má ngồi nhìn cánh đồng xanh thẳm. Ở đâu tôi cũng bắt gặp dấu chân của má và những người phụ nữ yêu quý của đời mình. Đó là những dấu chân to bè, gầy guột như dấu chân con cò lặn lội đồng sâu.

Không phải đợi đến sau này học chính trị nghe ông Các Mác nói: “Lao động là cha, đất đai là mẹ” thì tôi mới hiểu đất. Cuộc đời tôi chính là sản phẩm của cha mẹ và đất đai. Tuy tôi lớn lên trong nghèo khó, bần hàn nhưng đã có một bàn tay dịu dàng, nhân hậu nâng đỡ từng bước chân mà tôi vượt qua nghèo đói và chiến tranh để lớn lên. Đó là bàn tay nhọc nhằn của cha mẹ và đất đai.

Có hiểu đất đai nguồn cội rồi thì đất quê hương sẽ cho ta nhiều thứ khác. Nó giống như một hành trang vào đời của con người. Cái đói, cái khát vọng về hạt lúa đã lùi thật xa trong quãng đời của tôi, vậy mà bây giờ ra đường ngẫu nhiên bắt gặp một cánh đồng vàng mơ bông lúa là tôi phải dừng lại, xuống xe đứng trước cánh đồng mà hít lấy hít để cái hương lúa chín nồng đượm rồi bần thần nhớ chuyện ngày xửa ngày xưa. Cái ngày xưa ấy đất đã quằn lưng hoài thai hạt gạo cùng với mẹ tảo tần nuôi ta lớn lên. Trong đất, trong tâm hồn đất chứa đựng những đau đớn, giằng xé, nó đủ sức làm ta day dứt, nó đủ sức cảnh tỉnh ta, nó xác lập cho ta một tư cách trước quê hương nguồn cội.

Hành trang đất-3

Mùa vàng. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Tôi làm nghề viết lách, bạn đọc của tôi hay bảo, đọc văn của tôi là thấy thấp thoáng cái làng Bờ xáng. Vâng! Lao động của nhà văn là lao động của cảm xúc, mỗi nhà văn đều có một mảnh đất riêng để thương, để nhớ và nó đủ sức huy động sự rung cảm cần thiết cho trang viết. Đó là mảnh đất không chỉ đủ đầy cảm xúc mà nó còn định hình tư cách đứa con quê của nhà văn.

Như vậy đất là hành trang vào đời của chúng mình rồi còn gì nữa. Bất luận làm nghề gì, nếu có ký ức về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình anh ta sẽ nặng lòng với quê hương. Và ta thì bắt gặp một con người có trách nhiệm với cuộc đời.

Trong lúc viết bài báo này, tôi đã về thăm cánh đồng ngày bé của mình. Đó là một buổi chiều tàn, vẫn là một buổi chiều của muôn năm cũ, vẫn ráng chiều pha sắc lửa ở cuối trời xa, làm tím cả hồn ta. Thế nhưng, đồng cũ thì không còn xanh ngút ngàn như ngày cũ mà thay vào đó là ngổn ngang những bờ vuông nuôi tôm. Gió chướng đã về, nhưng không cảm được ngọn gió vui mà cứ xốn xang lòng dạ. Vào thời điểm này, của những ngày xưa cũ là nam phụ lão ấu của làng tôi kéo nhau lên đồng để giăng lưới, cắm câu, làm hầm bắt cá cạn đón mùa nước rút, cá về. Còn hôm nay, tôi cố căng mắt nhìn cái vạc đồng xa thăm thẳm ngày bé chỉ thấy thằng Năm Hùng chồng con Diệu, em gái tôi đang bưng cái thau nhựa thẩy thức ăn cho tôm ăn. Tôi thảng thốt: Sao mà hoang vắng thế nhỉ? Vẫn biết mỗi một thời đại có kiểu cách làm ăn khác nhau. Nhưng cái đập vào mắt tôi là một cánh đồng thiếu sinh khí của đời sống. Nhìn vào đó ta thấy sự thiết tha của con người với đất nhạt dần. Và cái thuộc tính cưu mang, nuôi nấng của bà mẹ đất vì thế cũng nhạt dần.

Dân tộc chúng ta gọi tổ quốc mình bằng hai tiếng thiết tha: Đất nước! Ngàn năm rồi vẫn thế, đất là cái căn cơ, là nền tảng của Tổ quốc, đất cưu mang nuôi nấng dân tộc ta dựng nghiệp và vượt qua bao phong ba bão táp. Với tôi cần phải có một cuộc chấn hưng tinh thần đất. Giống như một luồng gió mới, thổi bùng cháy lên tâm hồn bà mẹ đất, trả lại cho bà cái vai trò ngàn năm là bà mẹ nhân hậu, hiền lành trong tất cả những người của thế hệ hôm nay vốn lớn lên từ đất, trong đó, mảnh đất quê hương mãi là hành trang quý giá của họ khi bước vào đời.

Đứng trên đất quê mình, tôi chợt nghe trong tiềm thức vọng lên câu ca ngày bé của má tôi ru hời cho tôi ngủ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Thương về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Nối

Khác

Xem tiếp đi