Phương án phòng bị khi bắt gặp bạn đời ngoại tình

Lao Động 02/10/2022 12:57:30

Ngày 28.9, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Tạ Văn Sơn (50 tuổi) 7 năm, Nguyễn Tuấn Anh (em vợ Sơn, 39 tuổi) 7 năm; Tạ Tuấn Linh (con trai của Sơn, 26 tuổi) 3 năm tù cùng về tội "Cướp tài sản".

Nguồn cơn của vụ việc từ khi các bị cáo phát hiện vợ của ông Tạ Văn Sơn đang trong nhà nghỉ với người đàn ông lạ, nghi ngoại tình. Lúc đó, Tạ Văn Sơn đã cùng con trai và em vợ đòi bồi thường danh dự 300 triệu đồng.

Phương án phòng bị khi bắt gặp bạn đời ngoại tình-1

Vì việc ngoại tình của thiếu phụ, ba bị cáo phải vào tù. Ảnh: V.D

Có lẽ, trong cuộc sống không một ai mong muốn bắt gặp tình huống người chung chăn gối lại ngoại tình trước mặt mình. Lo sợ cảnh trớ trêu đó, nhiều người trốn tránh không dám nghĩ đến. Thế nhưng, khi chẳng may rơi vào tình huống này, họ đành bất lực, phẫn uất hành động theo bản năng. Hành xử này vô cùng nguy hiểm, rất có thể  nạn nhân sẽ trở thành tội phạm khi không giữ được bình tĩnh.

Do đó, dù không mong muốn nhưng mỗi người vẫn nên chuẩn bị sẵn tâm lý, phương án cho tình huống chẳng ai mong muốn này.

Trao đổi về cách hành xử đúng pháp luật trong trường hợp phát hiện chồng hoặc vợ ngoại tình, Luật gia Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, trước tiên, người vợ hoặc chồng phải thật bình tĩnh, kiểm soát bản thân. Nếu mất bình tĩnh, người vợ hoặc chồng sẽ không đủ sáng suốt để nhìn nhận sự việc và có thể hành động vượt quá giới hạn trở thành tội phạm.

Luật gia Nguyễn Thu Trang đưa ra khuyến cáo, trong trường hợp bắt gặp vợ hoặc chồng ngoại tình, nếu cần thiết, chúng ta có thể mời người thân hoặc người hiểu biết pháp luật đi cùng xử lý. Theo đó, thay vì hành động bộc phát như đánh đập, chửi bới, chúng ta chỉ cần lập lại biên bản và thu thập bằng chứng (quay phim, chụp ảnh) về hành vi sai trái của đối phương. Trong lúc nóng giận, chúng ta nên im lặng và không nên đưa ra bất cứ quyết định nào.

Hãy để cơn tức giận đi qua, hai bên mới ngồi lại tìm một hướng giải quyết phù hợp. Trong trường hợp không thể hòa giải, chúng ta mới cần đến các bằng chứng đã thu thập để bảo vệ mình trước pháp luật.

Theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”

Nếu hành vi này nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.

Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, nếu không thể hòa giải, người trong cuộc có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Theo đó, người này có thể trình báo và cung cấp bằng chứng cho chính quyền địa phương hoặc công an sở tại để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nối

Khác

Xem tiếp đi