Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa

VOH 23/09/2022 11:00:38

Mục lục

  1. Lễ Hằng Thuận là gì?
  2. Nguồn gốc của lễ Hằng thuận là gì?
  3. Mục đích và ý nghĩa của lễ Hằng Thuận
  4. Có nên làm lễ Hằng Thuận?
  5. Thời gian tổ chức và nghi thức lễ Hằng Thuận

Lễ Hằng Thuận là một nét văn hóa độc đáo trong Phật Giáo, xuất hiện lần đầu vào năm 1930. Đây được xem là một nghi thức giúp cho các cặp vợ chồng khởi tạo cuộc sống hôn nhân. Vậy lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa của lễ Hằng Thuận như thế nào?

1. Lễ Hằng Thuận là gì?

Lễ Hằng Thuận được hiểu đơn giản là lễ kết hôn được tổ chức tại chùa. Trong buổi lễ, sư trụ trì (hoặc nhà sư) sẽ tuyên bố lý do; cô dâu và chú rể sẽ được làm lễ cầu phúc, trao nhẫn cưới và nhận lời chúc phúc của hai họ.

Sở dĩ có tên là lễ Hằng Thuận bởi vì về mặt ý nghĩa, “hằng” nghĩa là là luôn luôn, tồn tại mãi mãi, trường tồn, vĩnh cửu;  “thuận” nghĩa là hòa thuận, êm ấm, chung chí hướng về những điều tốt đẹp. Từ đó, có thể hiểu “Hằng Thuận” ý chỉ cuộc sống hôn nhân sẽ êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc; vợ chồng luôn yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau và làm tròn trách nhiệm của người con, người vợ, người chồng, người cha, người mẹ trong gia đình.

Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa-1

Lễ Hằng Thuận là lễ kết hôn được tổ chức tại chùa

2. Nguồn gốc của lễ Hằng thuận là gì?

Theo như một số nguồn tư liệu, cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940) chính là người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa. Cụ là một nhà nho nhưng sau lại quy y theo Phật, cụ cho rằng tổ chức hôn lễ tại chùa sẽ giúp phật tử thu được nhiều điều có ích cho cuộc sống hôn nhân, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.

Năm 1930, bác sĩ phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta.

Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận.

Xem thêm:
Những thủ tục khi đính hôn và câu hỏi thường gặp về lễ đính hôn
Tuyển chọn 37 bài thơ Phật giáo - lời dạy sâu sắc về nhân sinh
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật vô thường

3. Mục đích và ý nghĩa của lễ Hằng Thuận

Lễ Hằng Thuận ra đời với mục đích chính là giúp cho cô dâu và chú rể ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong cuộc sống vợ chồng, từ đó giúp họ xây dựng được một mái ấm gia đình an lành và hạnh phúc.

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng còn nhận được những định hướng cụ thể cho một tương lai tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát trong lễ Hằng Thuận. Tuy nhiên, để đạt được điều này, đôi vợ chồng phải sống hòa thuận, hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng giống như hàm nghĩa của hai từ “ Hằng Thuận” đã toát lên.

Tại Lễ Hằng Thuận, cô dâu chú rể sẽ được đảnh lễ chư Phật, Quy y Tam Bảo, được chư Tăng đứng ra chứng minh hôn trong sự trang nghiêm, thiêng liêng ngay nơi chánh định. Đồng thời, cô dâu chú rể còn được sư thầy chia sẻ những điều xoay quanh về bổn phận và trách nhiệm qua lại giữa người chồng và người vợ. Từ đó giảng dạy các đạo lý liên quan đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình.

Những lời phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tu hành thập thiện của đôi vợ chồng trước ngôi Tam Bảo chính là dấu ấn ý nghĩa nhất và mang lại lợi ích thiết thực nhất. Bởi nó mang lại nguồn cảm hứng “sống đạo” rất sâu lắng, không những có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của đôi vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân mà còn ảnh hưởng tích cực đến người tham dự (lễ Hằng Thuận tạo một luồng sinh khí tươi sáng và lành mạnh cho người tham dự lễ).

Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa-2

Cô dâu và chú rể sẽ được các sư thầy giảng dạy các đạo lý về hôn nhân gia đình trong lễ Hằng Thuận

4. Có nên làm lễ Hằng Thuận?

Lễ Hằng Thuận có nên tổ chức hay không sẽ dựa vào sự tự nguyện của các cặp đôi khi muốn minh chứng điều đó với đức Phật bởi vì lễ không phải là nghi thức tôn giáo bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu các cặp đôi tổ chức lễ Hằng Thuận, được nghe chư Tăng giáo hóa, sau đó nghiêm túc áp dụng những lời Phật dạy khi xây dựng tổ ấm thì sẽ đem lại nhiều điều tích cực trong cuộc sống hôn nhân.

Xem thêm:
Top những bài thơ chúc đám cưới hay nhất để ngày vui càng thêm vui
72 lời chúc mừng đám cưới bạn thân hay và hài hước
70 lời cảm ơn sau đám cưới ngắn gọn hay nhất

5. Thời gian tổ chức và nghi thức lễ Hằng Thuận

Thông thường, lễ Hằng Thuận sẽ được tổ chức ngay sau lễ cưới truyền thống khi nhận được sự chấp thuận của các sư thầy trụ trì.

Từ 3 đến 5 ngày trước khi lễ Hằng Thuận diễn ra, các cặp đôi sẽ thường xuyên lên chùa để nghe giảng về đạo vợ chồng, đạo làm con để giúp cho cuộc sống gia đình sau này được êm ấm, hòa thuận.

Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa-3

Lễ Hằng Thuận sẽ được tổ chức ngay sau lễ cưới truyền thống

Sau khi hoàn thành lễ cưới truyền thống, cả hai gia đình sẽ đến chùa và tiến hành thực hiện lễ Hằng Thuận. Tùy theo quy định của mỗi chùa, lễ Hằng Thuận thường được diễn ra theo các trình tự chính sau:

Mọi người tham dự sẽ ổn định vị trí chỗ ngồi, chuẩn bị lên đèn nhang, xông hương trầm và nghinh vị chủ trì của lễ Hằng Thuận.

Hai bên gia đình sẽ được sắp xếp vị trí theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” (nhà trai bên trái, nhà gái bên phải) theo phía chính điện nhìn ra.

Nếu

cô dâu và chú rể

chưa có pháp danh thì sẽ được chủ trì thực hiện làm lễ quy y. Còn nếu đã có pháp danh thì sẽ tiến hành lễ Hằng Thuận theo như trình tự bình thường: tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, đại diện hai bên gia đình tiến hành phát biểu.

Cô dâu và chú rể sẽ phát nguyện và nghe sư thầy giảng về các đạo lý về hôn nhân, gia đình.

Cô dâu và chú rể được sư thầy chủ trì buộc dây tơ hồng mang ý nghĩa kết nối cặp vợ chồng không tách rời nhau.

Cô dâu và chú rể quỳ lạy cha mẹ, gia đình hai bên và đối phương. Sau đó ký tên vào giấy chứng nhận, trao nhẫn và nghe giảng về ý nghĩa của việc trao nhẫn.

Hai bên gia đình sẽ đại diện phát biểu và chúc phúc cho cặp vợ chồng.

Nhà chùa, gia đình sẽ tiến hành tặng hoa hoặc quà cho nhau.

Mọi người có thể ở lại dùng trà, bánh ngọt hay các tiệc chay trong chùa sau khi nghi lễ hoàn tất.

Lễ Hằng Thuận là một nghi thức mang vẻ đẹp độc đáo của Phật Giáo và đem lại nhiều ý nghĩa cùng các lợi ích thiết thực cho các cặp uyên ương khi bắt đầu bước vào cánh cửa hôn nhân, giúp họ có được hành trang để xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Nối

Khác

Xem tiếp đi