Cuộc đời bất hạnh của Tesla

Zingnews 02/10/2022 12:55:09

Trong cuốn Tesla nhà phát minh, cha đẻ của dòng điện xoay chiều , tiến sĩ Richard Gundermen không chỉ cho biết danh tiếng và các phát minh làm thay đổi cả thế giới của Nikola Tesla (1856-1943), mà còn đề cập cả những thất bại và khổ đau mà “nhà bác học điên thiên tài” này phải chịu đựng.

Mở đầu cuốn sách, ông viết “Câu chuyện về Tesla quả đúng là câu chuyện của thần Prometheus giữa đời thực. […] Giống như vị thần Prometheus, Nikola Tesla luôn hướng tới tương lai. Ông tìm cách chinh phục tia chớp từ thiên đàng và điều khiển nó theo ý muốn của con người, đem đến một trong những phát minh có ích nhất trong lịch sử loài người. […] Cũng giống như vị thần Prometheus, ông sống cô độc và day dứt vì những mất mát trong thập kỷ cuối cùng của cuộc đời mình”.

Cuộc đời bất hạnh của Tesla-1

Sách Tesla nhà phát minh, cha đẻ của dòng điện xoay chiều . Ảnh: M.C.

Những phát minh làm thay đổi thế giới

Nikola Tesla sinh ra trong một gia đình có 5 người con (2 trai, 3 gái) ở Serbia, thuộc đế chế Áo - Hung, nay là Croatia. Ông thừa hưởng khả năng phát minh phi thường từ mẹ mình là bà Djuka. Tuy nhiên, cha của Tesla, ông Milutin lại muốn đứa con trai duy nhất còn sống của mình (anh trai Tesla mất sớm vì tai nạn) nối gót ông trở thành linh mục. Sau Milutin cũng nhận ra đam mê thực sự của con trai mình, ông đã cho Tesla chuyển từ học làm tu sĩ sang học làm kỹ sư.

Năm 1875, Tesla nhập trường kỹ thuật của thành phố Graz. Tại đây, ông được một trong những giáo sư của trường cho xem máy phát điện một chiều có thể vừa sử dụng vừa phát điện. Tesla lập tức nhận ra rằng thiết kế này dựa trên một nền tảng hoạt động kém hiệu quả khi sử dụng một bộ phận gọi là chuyển mạch có nhiệm vụ liên tục đổi chiều dòng điện giữa động cơ và mạch điện ở bên ngoài.

Nhưng Tesla buộc phải bỏ học giữa chừng vì mất học bổng (do sự thay đổi ngân sách của quân đội). Không lâu sau, cha ông qua đời, Tesla đến học ở Praha. Một lần nữa ông lại bỏ học giữa chừng, nhưng Tesla cho biết khoảng thời gian theo học ở đây chính là lúc ông bắt đầu có những bước tiến lớn trong việc tạo ra điện mà không cần bộ chuyển mạch.

Cuộc đời bất hạnh của Tesla-2

Chân dung Nikola Tesla.

Không có tiền để tiếp tục học, Tesla chuyển sang Budapest để làm việc cho gia đình của một người bạn. Tại đây, ông có bước đột phá quan trọng nhất trong sự nghiệp phát minh của mình, đó là nam châm động cơ điện xoay chiều. Ý tưởng của Tesla là dùng hai mạch điện thay vì chỉ một, rồi để xen kẽ hai mạch này sao cho chúng lệch pha 90độ với nhau. Bằng cách này, động cơ xoay chiều liên tục.

Sau khi đạt được bước đột phá trong việc phát triển dòng điện hai chiều, Tesla đã đến Paris để làm việc cho công ty Edison, nơi ông đảm nhiệm việc giải quyết các vấn đề phát sinh và giúp cải thiện hiệu suất hoạt động của những nhà máy điện tại Pháp và Đức. Năm 1884, Tesla chuyển đến Mỹ và đi gặp Thomas Edison.

Bị ấn tượng với tài năng và những ý tưởng đột phá của Tesla trong lĩnh vực năng lượng điện, Edison ngay lập tức thuê Tesla và trao trọn quyền cho ông cải tiến thiết kế 24 loại máy móc khác nhau của công ty. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, Tesla đã từ chức vì thấy tính cách của mình và Edison quá khác biệt.

Ngay sau khi rời khỏi công ty Edison, Tesla được một nhóm các nhà đầu tư hỗ trợ thành lập công ty mang tên mình và giao cho nhiệm vụ phát triển hệ thống chiếu sáng hồ quang cải tiến. Tuy nhiên, sau khi thành công, ông bị buộc phải rời khỏi công ty, và phải trải qua một thời gian khó khăn khi phải đi đào mương để kiếm sống.

Năm 1887, vận may cuối cùng cũng mỉm cười với Tesla, khi ông nhận được một khoản tài trợ khác cho Công ty Điện Tesla mới thành lập. Cũng trong năm này, ý tưởng về hệ thống điện xoay chiều của Tesla lần đầu tiên thu hút sự chú ý của kỹ sư kiêm doanh nhân người Mỹ George Westinghouse, người đang tìm kiếm một giải pháp cung cấp điện đường dài cho quốc gia.

Năm 1895, Tesla tiếp tục đạt thành tựu khi giải pháp của ông được chọn để lắp đặt tại một trong những nhà máy thủy điện xoay chiều đầu tiên ở Mỹ, cụ thể là tại thác Niagara.

Vào năm tiếp theo, điện xoay chiều chính thức được sử dụng để cung cấp điện cho thành phố Buffalo, New York, gián tiếp giúp phát minh này của Tesla tiến xa hơn trên con đường trở thành hệ thống điện thế giới.

Vào cuối thế kỷ 19, Tesla tiếp tục được cấp bằng sáng chế cho phát minh với cuộn dây Tesla, đóng vai trò là “trái tim” của mạch điện, từ đó đặt ra nền tảng cho các công nghệ không dây và trong công nghệ vô tuyến sau này. Tesla cũng đã sử dụng phát minh của mình để nghiên cứu ra nhiều khái niệm mới như huỳnh quang, tia X, tia vô tuyến, điện không dây và điện từ trong Trái Đất…

Cuộc đời bất hạnh của Tesla-3

Thí nghiệm về máy phát phóng đại của Nikola Tesla. Nguồn: invert.

Cô đơn và bần hàn trong những năm cuối đời

Trong suốt nhiều thập kỷ tiếp theo, Nikola Tesla với tư cách là một nhà phát minh đại tài đã là một phần của xã hội thượng lưu ở New York, nhưng tuổi tác và nghèo đói đã khiến ông ngày càng bị cô lập.

Khoảng giữa năm 1900, Tesla bắt đầu thực hiện dự án táo bạo nhất của mình đó là xây dựng một hệ thống liên lạc không dây, có quy mô toàn cầu, được truyền qua một tòa tháp điện lớn, với khả năng chia sẻ thông tin và cung cấp năng lượng miễn phí trên toàn thế giới.

Năm 1901, J.P Morgan đã đầu tư 150.000 đôla để Tesla xây dựng trạm truyền điện không dây tại tháp Wardenclyffe.

Tuy nhiên, do không thể thu hút quỹ đầu tư cho các hoạt động của Wardenclyffe (lý do các nhà đầu tư nảy sinh nghi ngờ tính hợp lý của dự án), năm 1906, Tesla dường như rơi vào trạng thái trầm cảm. Ông không còn gửi những bức thư than vãn Morgan nữa. Ông cũng cũng không để tâm đến việc chăm sóc ngoại hình hay vấn đề vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, ông không giao tiếp với ai trong nhiều tháng.

Đến năm 1907, tinh thần của Tesla dần hồi phục, một phần do ông được bầu vào Viện Hàn lâm New York khiến ông tin rằng danh tiếng của mình không hoàn toàn bị mất.

Tuy nhiên, Tesla lại rơi vào tuyệt vọng khi danh tiếng và các công ty của mình ngày càng chìm xuống, trong khi các đối thủ của ông lại có những thành công liên tiếp.

Tesla đã bày tỏ sự bất mãn của mình trước thành công của đối thủ. Ông cho rằng công trình bộ nhận tín hiệu không dây giúp công nghệ vô tuyến tiến đến gần hơn người thường của Guglielmo Marconi (với sự hỗ trợ tài chính của Andrew Carnegie và Thomas Edison) là dựa trên nền tảng do mình xây dựng. Tuy nhiên, theo phán quyết của Văn phòng sáng chế Mỹ, Marconi được trao bằng sáng chế radio, sau đó ông ta còn đồng đoạt giải Nobel với Karl Braun.

Năm 1916, tình hình thiếu thốn tài chính của Tesla được công bố rộng rãi. Sau đó một năm, tháp Wardenclyffe bị tháo dỡ, bán lấy phế liệu.

Trong suốt phần đời còn lại của mình, Tesla dường như bị tra tấn bởi cảm giác rằng những người kém cỏi hơn đang vượt mặt ông và họ hả hê trước chiến thắng của mình. Những ý tưởng của ông cũng được xem là ngày càng trở nên kỳ quặc và thiếu thực tế.

Những năm cuối đời, Tesla sống nghèo đói và cô đơn trên tầng 33 của khách sạn New Yorker. Ông qua đời vì chứng “huyết khối động mạch vành” tại khách sạn này vào ngày 8/1/1943 và không để lại di chúc.

Tên hãng xe điện của Elon Musk có ý nghĩa gì?

Cái tên Tesla được đặt cho hãng xe điện để thể hiện lòng kính trọng với Nikola Tesla, nhà phát minh kiêm nhà sản xuất mô tơ điện.

Nguồn gốc của khoa học hiện đại

Khoa học hiện đại ra đời khi quan niệm “chỉ có bằng chứng thực nghiệm mới đáng tin cậy” tìm được chỗ đứng trong bối cảnh tư tưởng hỗn độn đầu thế kỷ XVII.

Nối

Khác

Xem tiếp đi