Bối rối vì tên nguyên tố hóa học theo SGK mới: Người than khó, người ủng hộ

Lao Động 06/10/2022 06:33:16

Báo Lao Động đã đăng tải bài viết "Giáo viên bối rối khi đọc tên nguyên tố hóa học theo SGK mới" liên quan đến việc nhiều giáo viên, học sinh than khó khi đọc tên các nguyên tố hóa học theo cách mới.

Cụ thể, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, oxit, axit, bazo, muối,… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC (Danh pháp Hóa học theo Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần túy và Hóa học ứng dụng) thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.

Bối rối vì tên nguyên tố hóa học theo SGK mới: Người than khó, người ủng hộ-1

Tên gọi, kí hiệu hóa học và khối lượng nguyên tử của 20 nguyên tố đầu tiên trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 7, Bộ sách Cánh Diều. Ảnh: NVCC.

Nhiều giáo viên, học sinh cho rằng, việc thay đổi cách đọc này gây nhiều khó khăn vì các em đều đã quen với cách đọc cũ từ nhiều năm nay. Một số em học sinh phải mang theo từ điển, vừa học, vừa tra cứu, viết phiên âm ngay bên cạnh tên tiếng Anh của nguyên tố.

Ngay sau bài viết này, Báo Lao Động nhận được nhiều quan điểm, ý kiến của bạn đọc.

Bạn đọc Lê Thành Lập cho rằng: "Cải cách thế này là đúng thôi. Hóa học mà đọc kiểu phiên âm như trước tôi thấy không ổn, lúc đầu thấy khó nhưng rồi sẽ quen. Trước đây tôi cũng học hóa đọc theo âm Latin, sau này thì đổi lại đọc kiểu phiên âm thật rối rắm".

Bạn đọc Trần Hạnh đưa ra nhận xét: "Bài viết quá đúng thực tế hiện tại. Giáo viên cũng phải tự học cách phát âm như học sinh mà chưa được tập huấn. Giáo viên quá bất ngờ. Đổi mới kiểu này rất....mệt".

Bàn về những thay đổi trong cách đọc tên các nguyên tố hóa học theo chương trình mới, bạn đọc Hiền Huỳnh lại ủng hộ và cho rằng: "Những ai đi du học ngành hoá, dược, hoặc SAT thì lại thấy thiết thực".

Anh Lê Minh Huy (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 7 cho biết, ngày xưa tiếng Anh chưa được phổ biến nên phải phiên âm tên các nguyên tố hóa học. Bây giờ tiếng Anh cũng dần được sử dụng rộng rãi nên việc đổi cách đọc tên các nguyên tố hóa học là điều dễ hiểu.

"Sự thay đổi trong cách đọc sẽ khiến các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn do đã quen với cách đọc xưa nay và buộc phải thích nghi để không bị đào thải. Học sinh, thậm chí cả cha mẹ cũng phải thay đổi để tiếp cận với kiến thức mới. Nhiều hôm con đi học về, hỏi bố cách đọc, tôi cũng phải tự nghiên cứu để hướng dẫn cho con" - anh Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm của anh Sơn, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng:

"Thay đổi nào cũng sẽ vấp phải ý kiến trái chiều cũng như khó khăn trong thời gian đầu triển khai. Tôi cho rằng, đến khi chương trình mới áp dụng đồng bộ với tất cả các khối thì việc triển khai sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn rất nhiều".

Nối

Khác

Xem tiếp đi